Trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh, clip quaּy léּn cảnh nhạy cảm. Nguy hiểm hơn, trên mạng Telegram, có hẳn những nhóm kết bạn chuyên đề về "quaּy léּn" để chào bán hay tìm mua những clip "hot".
Thiết bị có độ bảo mật thấp
Gõ từ khóa liên quan trên Google, thật kinh hoàng khi có khoảng 32,6 triệu kết quả trả về, trong đó vô số đường liên kết dẫn tới những trang web cung cấp video được dán nhãn "quaּy léּn". Trên mạng Facebook cũng đầy những hình ảnh và clip quaּy léּn cảnh nhạy cảm của giới nữ.
Ngoài những kẻ xấu dùng camera "trinh thám" hay thậm chí smartphone để rình quaּy léּn, còn có rất nhiều nguồn từ những camera trên thiết bị và những camera giám sát an ninh có nối mạng WiFi. Đây chính là những nguồn cực kỳ nguy hiểm nhưng phổ biến, được gắn khắp nơi để phục vụ việc giám sát, quan sát từ xa.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà loại hình camera giám sát, an ninh đem lại nhưng không cẩn trọng và không biết cách sử dụng, các camera giám sát, an ninh sẽ thành những "kẻ gián điệp", phản chủ tiếp tay cho bọn xấu. Do các camera giám sát, an ninh phải kết nối với internet để quan sát từ xa, đặc biệt là qua mạng không dây WiFi, chúng rất dễ bị bọn tội phạm công nghệ hack chiếm quyền sử dụng, bắt camera phục vụ theo ý của chúng. Điểm chết người là các camera giám sát, an ninh nằm trong nhóm thiết bị có độ bảo mật thấp.
Theo TelecomDaily, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia dẫn đầu về số lượng camera an ninh công cộng đang hoạt động. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 15 triệu camera công cộng. Trong khi đó, ở mảng doanh nghiệp và người dân, nhu cầu camera an ninh, giám sát dự báo lên đến cả trăm triệu chiếc. Nhà thông minh (smarthome) đang là một xu hướng của thế giới, cũng như tại Việt Nam được trang bị các thiết bị thông minh trong đó có camera an ninh để người dùng có thể kiểm soát, điều khiển các thiết bị đó từ xa.
Thống kê của Statista cho biết doanh thu thị trường nhà thông minh ở Việt Nam là 239,93 triệu USD (năm 2022), dự báo tăng lên 453,81 triệu USD vào năm 2026, đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm trong giai đoạn 2022-2026 là 17,28%. Số lượng nhà thông minh ở Việt Nam đang không ngừng tăng nhanh kéo theo nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin.
Không gắn ở nơi riêng tư
Trước đây, một số hãng công nghệ đã trang bị cho những mẫu TV thông minh của mình hệ thống camera nối mạng để phục vụ cho các cuộc gọi video call. Sau đó, họ bỏ cuộc chơi vì đã có những báo cáo về một số vụ người dùng vô ý không tắt camera nên hình ảnh trong nhà bị truyền tới nhà người khác. Ngoài ra những cảnh báo về nguy cơ camera nối mạng trên Smart TV có thể bị bọn tội phạm công nghệ chiếm quyền sử dụng.
Những người sử dụng laptop cũng luôn được khuyến cáo nên dùng băng keo dán che webcam khi không sử dụng cho các cuộc gọi. Đó là lý do mà hiện nay nhiều hãng đã trang bị thêm tấm che vật lý cho camera trên laptop. Các nhà chuyên môn cũng cảnh báo phụ huynh cẩn trọng với những chiếc máy tính bảng, smartphone giao cho con trẻ dùng ẩn chứa nguy cơ khiến cả nhà "lên sóng" mà không hề hay biết.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), lưu ý người dùng 2 dấu hiệu khác thường cho thấy camera an ninh có thể đang bị kẻ khác chiếm quyền sử dụng. Một là, camera có âm thanh thoại 2 chiều bỗng xuất hiện âm thanh lạ chen vào. Hai là, camera bỗng dưng tự quay về những góc không phải do người dùng thiết đặt. Những chuyên viên về camera giám sát, an ninh nói rằng người dùng chỉ nên gắn camera ở những không gian công cộng trong nhà như phòng khách, các cửa ra vào… Tuyệt đối không nên gắn camera tại những vị trí riêng tư như phòng ngủ, nhà tắm, nhà vệ sinh (kể cả gắn bên ngoài).
Nguy cơ lộ thông tin còn do chất lượng thiết bị và nguồn gốc thiết bị. Theo nhiều khảo sát, có khoảng 90% lượng camera ở Việt Nam có nguồn gốc nước ngoài. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ dữ liệu thu được có thể bị chuyển về máy chủ của hãng ở nước ngoài.