Ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang nhận được sự đóng góp tâm huyết của đông đảo người dân, các nhà khoa học, chuyên gia.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều thầy thuốc, lãnh đạo các bệnh viện, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là Khoản 1 – Điều 26: "Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viên thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y".
Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã đưa ra quan điểm rất thẳng thắn đối với vấn đề trên. Nữ đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, bất cứ một quyết định nào cũng phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, đối với đề xuất chuyển các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành (không trực thuộc Bộ Y tế), ví dụ: bệnh viện Xây dựng, bệnh viện Giao thông… chuyển giao cho TP. Hà Nội quản lý, nếu nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động đầy đủ thì có thể chấp nhận được. Bởi bộ chủ quản các bệnh viện này không có nhiều chuyên môn, nghiệp vụ về y tế để quản lý.
Tuy nhiên theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, đối với những bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế quản lý, những bệnh viện tuyến trên, tuyến trung ương như: bệnh viện K, bệnh viện Bạch Mai... thì không nên chuyển giao cho Hà Nội quản lý, vì 5 lý do như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định rõ nhiệm vụ, chức năng các bệnh viện tuyến trung ương; các bệnh viện tuyến trung ương còn đảm nhận nhiệm vụ đào tạo; bệnh viện tuyến trung ương là tuyến cuối, khám chữa bệnh cho hàng triệu người dân cả nước…
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, bệnh viện tuyến trung ương mang tầm vóc bệnh viện cấp quốc gia. Đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khi bệnh viện tuyến dưới vượt quá khả năng (trang thiết bị, đội ngũ tay nghề, chuyên môn) thì chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Lúc này, bệnh viện tuyến trên sẽ có chỉ đạo chuyên môn nhất định đối với bệnh viện tuyến dưới.
"Nếu để TP. Hà Nội tiếp quản những bệnh viện tuyến trung ương thì không còn là mối quan hệ tuyến trên/tuyến dưới nữa. Việc này ảnh hưởng đến việc hỗ trợ của những bệnh viện tuyến trung ương đối với bệnh viện cấp tỉnh ở tuyến dưới", ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.
Nói thêm về điều này, đại biểu cho rằng, việc chuyển giao bệnh viện tuyến trung ương về Hà Nội quản lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bởi nếu ở tuyến dưới không cứu chữa được thì sẽ chuyển lên tuyến trên. Nhưng, sau khi chuyển giao thì bệnh viện tuyến trên không còn là tuyến trên nữa mà chỉ là chuyển từ địa phương này sang địa phương khác.
"Tự nhiên tầm ảnh hưởng, sự hướng dẫn, hỗ trợ giữa tuyến trên và tuyến dưới bị phá vỡ. Tôi e rằng, người bệnh sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên. Vì vậy, bất kể quyết định nào tác động đến sức khỏe nhân dân, thậm chí tính mạng của người dân thì chúng ta phải thật sự cân nhắc", nữ ĐBQH tỉnh Hải Dương thẳng thắn.
Một ca phẫu thuật tại bệnh viện Việt Đức.
Cần lắng nghe và đánh giá kỹ tác động
Điểm thứ hai mà đại biểu Việt Nga lưu ý là, nếu để nguyên những bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế quản lý thì những bệnh viện này mang tầm vóc quốc gia. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, các bệnh viện này còn có nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…
"Chúng ta xét trong mối quan hệ quốc tế thì một bệnh viện cấp quốc gia vị thế sẽ cao hơn rất nhiều so với một bệnh viện địa phương. Dù các bệnh viện đó có thuộc Thủ đô Hà Nội đi chăng nữa cũng chỉ là một bệnh viện trực thuộc địa phương. Một bệnh viện địa phương trong hợp tác quốc tế cũng sẽ khác đi rất nhiều", đại biểu phân tích.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga
Nếu đưa bệnh viện tuyến trung ương xuống cho Hà Nội quản lý tôi e rằng Hà Nội hơi quá sức và quyết định hơi mạo hiểm
Đại biểu Việt Nga khẳng định: "Những bệnh viện tuyến trung ương để Bộ Y tế quản lý, chỉ đạo trực tiếp là rất đúng. Nếu để Thành phố Hà Nội quản lý sẽ vượt quá khả năng bởi Hà Nội hiện có quá nhiều bệnh viện, nếu chuyển giao về nữa thì Sở Y tế sẽ quản lý không xuể".
Thậm chí, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga còn cho rằng: "Nếu đưa bệnh viện tuyến trung ương xuống cho Hà Nội quản lý tôi e rằng Hà Nội hơi quá sức và quyết định hơi mạo hiểm".
Đại biểu cho biết, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều ngày vừa qua nhận thấy, rất nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học cũng như những người đã và đang công tác trong ngành y tế đều không tán thành đối với nội dung trên. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga hy vọng cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe các ý kiến, đánh giá tác động kỹ để xây dựng dự thảo luật.