Đàm phán trần nợ công chưa có tiến triển, chứng khoán Mỹ lao dốc

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 23/5 khi cuộc đàm phán trần nợ công vẫn chưa ngã ngũ.
Đàm phán trần nợ công chưa có tiến triển, chứng khoán Mỹ lao dốc
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 23/5. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên này, chỉ số S&P 500 sụt 1,12% xuống còn 4.145,58 điểm, chỉ số Nasdaq Composite hạ 1,26% về mức 12.560,25 điểm, chỉ số Dow Jones cũng mất 0,69% xuống 33.055,51 điểm.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ diễn biến đàm phán tại Washington, hy vọng có tiến triển trước ngày 1/6 - thời điểm mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ.

Hôm 23/5, một số hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đặt câu hỏi về tính chính xác của ngày vỡ nợ dự kiến trên.

Trong cuộc gặp diễn ra vào cuối ngày 22/5 tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã không đạt được thỏa thuận nào để nâng trần nợ Mỹ từ mức 31,4 nghìn tỷ USD hiện nay. Trong ngày 23/5, các trợ lý của Tổng thống Biden và ông McCarthy tiếp tục thảo luận.

Chuyên gia Mohamed El-Erian, trưởng cố vấn kinh tế của Allianz, nhận định với CNBC: “Thị trường cổ phiếu hôm nay chịu sức ép khi chính phủ Mỹ đang phát đi một tín hiệu rất tiêu cực về khả năng điều hành nền kinh tế”.

Mặc dù kỳ vọng các nhà lập pháp có thể sẽ đạt được một giải pháp về vấn đề trần nợ, Giám đốc khách hàng của Aspiriant, bà Sandi Bragar vẫn thận trọng khi nói rằng rủi ro dẫn đến suy thoái kinh tế vẫn còn. “Lịch sử gần đây cho thấy một cuộc suy thoái có thể xảy ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất của mình”, bà nói thêm.

Trong phiên giao dịch ngày 23/5, cổ phiếu Apple vẫn giảm 1,5% sau khi công bố thỏa thuận sản xuất chip trị giá hàng tỷ USD với Broadcom. Cổ phiếu của hãng sản xuất chip Broadcom tăng 1,2%.

Áp lực giảm điểm đối với chứng khoán Mỹ phiên này còn đến từ những phát biểu cứng rắn của quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - những người giữ quan điểm cho rằng lạm phát còn cao và Fed cần duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.

Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, hôm 22/5 nói với hãng tin CNBC rằng “lãi suất có thể phải tăng trên 6%” để lạm phát giảm về mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, cũng nhận định trong năm nay, Fed cần phải thực hiện thêm 2 đợt nâng lãi suất nữa với mức 0,25%.

Những tuyên bố “diều hâu” trên khiến nhà đầu tư đẩy lùi thời điểm mà họ kỳ vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất về tháng 11 hoặc tháng 12, thay vì tháng 7 như trước.

Thị trường dự báo xác suất khoảng 83% cho rằng Fed tiếp tục có đợt tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp trong cuộc họp chính sách vào ngày 13-14/6, theo công cụ theo dõi giá tương lai FedWatch của CME.

Ngoài ra, thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 0,5% vào cuối năm nếu lạm phát giảm về mức mục tiêu 2%.

Ngày 24/5, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 5, nơi nhà đầu tư có thể tìm kiếm những dấu hiệu rõ ràng hơn để định hình kỳ vọng về đường đi của lãi suất trong thời gian tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật