Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp để ghé thăm nhà cổ Huỳnh Phủ. Nơi đây, được một số người đến vui chơi, chụp hình bởi phong cách cổ xưa khi nó đã tồn tại hơn 100 năm.
Khi đến nơi, mọi người may mắn gặp được cô Lê Thị Hai vui vẻ đón tiếp. Cô Hai là vợ của ông Huỳnh Ngọc Thu - cháu đời thứ 6 của chủ nhân ngôi nhà, ông Huỳnh Ngọc Khiêm (1843-1927).
Nhà cổ Huỳnh Phủ hơn 100 tuổi.
Theo lời cô Hai, nhà Huỳnh Phủ hiện do ông Thu quản lý, nhưng do chồng bị bệnh nên cô đảm trách mọi việc trong ngoài, kể cả việc thuyết minh hướng dẫn cho du khách.
"Ngày xưa ông cụ Khiêm cùng vợ và 9 người con vào đây lập nghiệp. Đến đoạn này thì bao nhiêu mái chèo thuyền đều gẫy hết, không đi được. Lúc đó nghe văng vẳng như câu hò ru con: Cây khô tưới nước cũng khô. Người nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo. Vậy là ông cụ quyết định dừng chân ở vùng đất này, sinh cơ lập nghiệp rồi xây dựng lên ngôi nhà", cô Lê Thị Hai, kể về nguồn gốc của căn nhà.
Mặt chính điện của Huỳnh Phủ. Ảnh: Thái Giàu
Cũng theo cô Hai nhà có 48 cây cột tròn, lớn, hoàn toàn bằng gỗ lim và căm xe. Bước vào trong, khách tham quan sẽ bị choáng ngợp bởi hình ảnh những bức chạm khắc vô cùng tinh tế và công phu.
Hình ảnh chim đậu trên cành hoa được chạm khắc công phu. Ảnh: Thái Giàu
Nhiều hình thù rất thân thuộc trong đời sống hàng ngày như cua, cá, tôm, kì lân, phụng được thể hiện rất tỉ mỉ. Tất cả như một bức tranh dân gian sống động mang rõ nét đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
“Hầu hết tác phẩm mỹ thuật ở ngôi nhà Huỳnh Phủ đều được thuê thợ từ Huế vào thực hiện. Đặc biệt, các tấm trám trên vách mặt tiền gian chính đều có hai lớp. Lớp mặt trước được chạm các loại hoa trái, chim muông, lớp sau chạm lọng lưới tổ ong”, cô Hai chia sẻ.
Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích trên 500 m2, rộng khoảng 17 m, dài 25 m. Nhà được cất theo kiểu nhà xuyên trính, hình chữ nhật, ba gian hai chái. Ảnh: Thái Giàu
Trước đây cả gia đình ông Huỳnh Ngọc Thu đều sinh sống trong ngôi nhà do tổ tiên để lại. Sau này nhiều khách tham quan ghé thăm nên gia đình dọn ra căn nhà bên ngoài. Nhà cổ Huỳnh Phủ giờ là nơi thờ cúng và phục vụ khách tham quan. Ảnh: Thái Giàu
"Năm 1890, ngôi nhà bắt đầu được xây dựng đến 1904 thì hoàn thành. Tính đến nay, ngôi nhà đã tồn tại được hơn 100 năm. Năm 2011, nhà cổ Huỳnh Phủ được trao bằng xếp hạng di tích quốc gia", cô Hai chia sẻ thêm.
Hiện tại, nhà cổ được trung tu, xây dựng nhiều cây cảnh xung quanh. Ảnh: Thái Giàu
Đầu năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú khởi công trùng tu, tôn tạo đến năm 2015 thì hoàn thành.
Mai Thị Thúy Loan (ngụ xã Giao Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre) đã cùng chồng thực hiện bộ ảnh “hai ông bà hội đồng” tại ngôi nhà cổ. Ảnh: NVCC
Chúng tôi đứng trước Huỳnh Phủ với một dáng dấp mới. Những đổ nát và xuống cấp đã không còn thay vào đó là sự khôi phục hiện trạng cũ nguyên vẹn, mang đầy bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, những mảng tường rào bị bong tróc, sụp đổ đã được sửa khang trang.
Ảnh: Thúy Loan
Bên trong ngôi nhà được bổ sung thêm đèn điện. Nội thất bên trong căn nhà được bảo toàn gần như nguyên vẹn. Nhờ vậy Huỳnh Phủ trở thành một địa điểm tham quan thú vị và ưa thích của du khách gần xa.
“Trước đây, nơi này ít ai biết đến, đa số người đến tham quan là cô chú lớn tuổi, thích đồ cổ. Tuy nhiên, từ năm 2020, khách đến nhiều hơn, đặc biệt là các bạn trẻ đến chụp hình và vui chơi”, cô Hai bộc bạch.
Ảnh: Thái Giàu
Khách đến nhà cổ sẽ được cô hoặc người nhà dẫn đi giới thiệu, kể câu chuyện của ngôi nhà cũng như gia đình họ Huỳnh. Để trang trải cho cuộc sống và gìn giữ ngôi nhà, vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Thu mở một quán nước nhỏ ở cạnh nhà cổ và trồng them rau màu.