Cơ hội việc làm từ ngành game

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Như ĐĐK đã phản ánh ở số báo 113 ra ngày 23/4/2023, Học viện Bưu chính Viễn thông đề xuất lên Bộ GDĐT mở ngành đào tạo mới là công nghệ game. Dự kiến, trường sẽ xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành này trong năm nay. Đề xuất này đang nhận được những ý kiến trái chiều. PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với TS Cao Minh Thắng - viện phó viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông).
Cơ hội việc làm từ ngành game
TS Cao Minh Thắng.

PV: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến mở ngành đào tạo nguồn nhân lực game. Việc đề xuất mở ngành dựa trên tiêu chí nào, thưa ông?

TS CAO MINH THẮNG: Công nghiệp game Việt Nam hiện nay đang được Chính phủ quan tâm và dự kiến có nhiều hoạt động thúc đẩy sự phát triển của ngành này, trong đó xác định đào tạo là một trong những giải pháp quan trọng. Các khảo sát cho thấy một xu hướng khá rõ là các công ty sản xuất game tại Việt Nam ở các quy mô đều mong muốn hướng tới làm các game có chất lượng và quy mô lớn hơn hiện nay.

Điều này kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân lực thiết kế và phát triển game có trình độ cao hơn được đào tạo bài bản, chuyên sâu hơn. Mặc dù vậy, hiện ở Việt Nam chưa có một chương trình đào tạo về game ở trình độ đại học đáp ứng được nhu cầu này trong khi trên thế giới, chương trình đào tạo cử nhân ngành game đầu tiên đã được triển khai từ năm 1994.

Ông có thể thông tin thêm về chương trình đào tạo chính quy và chuyên sâu về game dự kiến mở tới đây?

- Việc đào tạo các môn học liên quan đến game đã được học viện triển khai từ những năm 2010 trong chương trình đào tạo Kỹ sư Công nghệ đa phương tiện. Những môn học đó dù chưa giải quyết tổng thể vấn đề đào tạo nhân lực ngành game nhưng là tiền đề quan trọng để học viện thiết kế chương trình đào tạo chuyên về game có tên là "Cử nhân Công nghệ game". Dự kiến đây sẽ là chương trình đào tạo chính quy và chuyên sâu về game, giúp đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng thiết kế và phát triển game ở trình độ cao cho nền công nghiệp game Việt Nam.

Dù có lợi thế hơn 10 năm đào tạo một số môn học game cùng với bề dày kinh nghiệm và uy tín về đào tạo các ngành công nghệ, nhưng game là một chương trình khoa học liên ngành nên việc thiết kế chương trình phải đảm bảo hài hòa các khối kiến thức từ cơ bản, cơ sở đến chuyên ngành, giúp người học có thể đáp ứng ngay các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Theo đó, chương trình đào tạo Cử nhân Công nghệ game được xây dựng theo quy trình CDIO dựa trên khảo sát kỹ lưỡng các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời tham khảo chương trình đào tạo game của các trường đại học hàng đầu đào tạo về game.

Trong cấu trúc của chương trình, các khối kiến thức đều có sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và khoa học xã hội như tâm lý, văn hóa, đặc biệt là kiến thức về Pháp Luật, an toàn bảo mật để định hướng sinh viên tốt nghiệp làm những game không chỉ thu hút người chơi mà còn an toàn, lành mạnh.

Thời lượng đào tạo dự kiến của chương trình là 4 năm, hướng tới hai nhóm vị trí công việc là các nhà thiết kế game (Game designer) và phát triển game (Game developer) có khả năng làm việc tại các game studio tại Việt Nam hoặc có thể chủ động khởi nghiệp với các game riêng của mình.

Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất game.  

Định kiến xã hội về game đã khiến sự phát triển nhân sự của ngành càng thêm khó khăn mặc dù Việt Nam là một trong những thị trường màu mỡ cho ngành game phát triển. Ông nhận định thế nào về cơ hội việc làm liên quan tới lĩnh vực này trong tương lai?

- Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), tại Việt Nam có khoảng 28,4 triệu người chơi game online, xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á về doanh thu game.

Năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam ước đạt hơn 660 triệu USD (hơn 15 nghìn tỉ đồng), tăng 30% so với năm 2020. Doanh thu của các game sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu ước tính đạt 200 triệu USD/năm.

Một số chuyên gia uy tín trong ngành game đã dự báo, số lượng nhân sự ngành game khi quy mô doanh thu lên tới 1 tỉ USD sẽ vào khoảng 25.000 người bao gồm cả các công việc full time (toàn thời gian), part time (bán thời gian) hoặc freelancer (làm tự do).

Theo các thông tin khảo sát của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hiện nay trên các trang tin tuyển dụng, có khoảng 800 bài đăng tuyển nhân sự game đến từ 45 công ty tại Việt Nam, trong đó 50% là Game developer và 30% là Game designer. Đến nay, các doanh nghiệp sản xuất game được chúng tôi phát phiếu khảo sát cũng trả lời kết quả khá tương đồng.

Với khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất game hiện nay tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng riêng cho hai nhóm công việc này có thể lên đến hàng nghìn nhân sự. Với đà phát triển hiện nay, con số này sẽ còn tăng trong những năm tới.

Nhiều chuyên gia đưa ra các ý kiến trái chiều. Có chuyên gia đóng góp rằng, không nên mở ngành game với tư cách ngành độc lập mà phải rộng hơn như công nghệ kỹ thuật phần mềm, trong đó đi vào khía cạnh hẹp hơn, sâu hơn là game. Quan điểm của ông về ý kiến này?

- Nhìn từ góc độ khoa học, game là một khoa học (tên tiếng Anh là ludology) có lịch sử lâu đời và có tính liên ngành (inter-discipline) với nhiều hướng tiếp cận như nhân chủng học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học,... Mặc dù trong kỷ nguyên số, khoa học máy tính và các công nghệ phần mềm, kỹ thuật điện tử hay viễn thông là rất quan trọng để tạo lập các game hiện đại nhưng các nền tảng khoa học truyền thống nêu trên là yếu tố không thể bỏ qua khi muốn thiết kế và phát triển các game có chất lượng.

Nhìn ở góc độ thực tiễn, nếu mục tiêu đặt ra là đào tạo các chuyên gia phát triển game dựa trên kịch bản có sẵn hoặc Việt hóa các game từ nước ngoài thì các kỹ sư công nghệ thông tin hay kỹ thuật phần mềm có thể đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, nếu nhắm tới mục tiêu là đào tạo các chuyên gia có khả năng tiếp cận với thị trường nhân lực game quốc tế thì cần phải có một ngành đào tạo riêng và có tính lai ghép liên ngành, như nhiều chương trình đào tạo game ở trình độ đại học hiện có trên thế giới hiện nay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật