Ngang nhiên lấn chiếm đất rừng đặc dụng, tập kết cát trái phép

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quá trình thực hiện nạo vét trên hồ thủy điện Krông H’Năng, Công ty Quốc tế Sông Hồng đã lấn chiếm đất rừng đặc dụng, tập kết trái phép hàng ngàn khối cát.
Ngang nhiên lấn chiếm đất rừng đặc dụng, tập kết cát trái phép
Ảnh minh họa

Xâm phạm đất rừng, tập kết cát trái phép

Ngày 9/7/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định phê duyệt phương án kỹ thuật nạo vét hồ thủy điện Krông H’Năng, xã Cư Prao, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Mục đích của việc nạo vét nhằm kiểm soát các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước theo quy định của Pháp Luật nhằm đảm bảo an toàn vận hàng công trình, an ninh trật tự.

Đồng thời, sử dụng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước thực hiện nạo vét góp phần khơi thông dòng chảy, phục hồi sức chứa và khả năng thoát lũ thượng lưu hồ chứa nước; quá trình thực hiện nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản.

Hồ thủy điện Krông H’Năng.

Thời gian thực hiện dự án nạo vét hồ thủy điện Krông H’Năng trong 5 năm, với giá trị dự toán công trình là hơn 46,9 tỷ đồng do Công ty cổ phần Quốc tế Sông Hồng (trụ sở tại Tp.Hà Nội, sau đây viết tắt là Công ty Sông Hồng) thực hiện.

Sau đó, ngày 27/1/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước cho Công ty Sông Hồng.

Theo đó, diện tích nạo vét là 313,51ha, diện tích bãi tập kết 2,6ha (nằm hoàn toàn trong phạm vi hồ chứa nước công trình thủy điện Krông H’Năng). Khối lượng sản phẩm bơm hút và vận chuyển về bãi tập kết hàng năm là 400.000 m3/năm.

Thế nhưng, Công ty Sông Hồng đã không thực hiện theo đúng phương án được phê duyệt.

Theo đó, trong quá trình thực hiện nạo vét công trình hồ thủy điện Krông H’Năng, ngày 26/3/2022, doanh nghiệp này có tờ trình xin tập kết tạm thời vật liệu nạo vét tại bãi đất trống thuộc lâm phần Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô quản lý.

Công ty Sông Hồng được cấp phép nạo vét, thu hồi cát trên hồ thủy điện Krông H’Năng.

Tuy nhiên, nội dung tờ trình nói trên đã không được Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đồng ý, vì ngoài quyền hạn xử lý của đơn vị này. Mặc dù vậy, Công ty Sông Hồng vẫn ngang nhiên tập kết cát trái phép, xâm phạm đất rừng đặc dụng.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, bãi tập kết cát của Công ty Sông Hồng nằm cách bờ đập thủy điện khoảng 1km.

Tại đây, những chiếc tàu chở đầy ắp cát liên tục cập bờ, bơm cát lên bãi. Phía trên, chiếc máy múc hoạt động hết công suất, đưa cát lên xe tải.

Sau khi ngoặm đầy cát, những chiếc xe tải từ từ di chuyển theo lối đường mòn đi xuyên qua rừng đặc dụng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, dẫn ra quốc lộ 29. Tại điểm giao nhau với quốc lộ 29, Công ty Sông Hồng đã lập barie chốt chặn, kiểm soát các xe ra vào.

Bãi tập kết cát của Công ty Sông Hồng nằm cách bờ đập thủy điện khoảng 1km.

Từ bãi tập cát nói trên, đi ngược về hướng thượng nguồn khoảng hơn 1km, còn có thêm một bãi tập kết cát “khổng lồ”, với khối lượng ước tính hàng ngàn khối.

Đáng nói, theo quan sát, bãi tập kết cát này đã xâm phạm vào lâm phần quản lý của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô. Tại đây, sau khi được múc đầy cát, chiếc xe tải liền nổ máy, chạy theo lối đường mòn xuyên rừng, đi ra ngoài.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Minh Tiến – Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô cho biết, vào khoảng tháng 7/2022, qua công tác kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng khu bảo tồn phát hiện việc tập kết cát tại vị trí tiếp giáp giữa hồ thủy điện Krông H’Năng và khu bảo tồn.

Ngay sau đó, khu bảo tồn đã báo cáo cho UBND huyện Ea Kar, UBND tỉnh Đắk Lắk và các đoàn kiểm tra.

Sự việc sau đó đã được cơ quan thẩm quyền kết luận, Công ty Sông Hồng tập kết cát sai vị trí so với phương án được phê duyệt, đổ cát tràn sang khu bảo tồn. Khối lượng tập kết khoảng 32.000m3.

Gia hạn nhiều lần vẫn chưa khắc phục xong

Sau khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, ngày 10/10/2022, UBND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Sông Hồng, với tổng số tiền 150 triệu đồng.

Bãi tập kết cát trái phép của Công ty Sông Hồng. 

Theo nội dung quyết định xử phạt, Công ty Sông Hồng đã hoạt động không đúng nội dung đã được cấp Giấy phép hoạt động trong phạm vi hồ chứa nước số 22 ngày 27/1/2022 của UBND tỉnh.

Cụ thể, công ty tập kết cát tại bãi tập kết chưa được cấp phép với diện tích 11.228m2. Đồng thời, lấn chiếm đất nông nghiệp là đất rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, với diện tích lấn chiếm là 7.119m2.

Cùng với việc xử phạt hành chính, UBND huyện Ea Kar yêu cầu Công ty Sông Hồng chấm dứt việc tập kết cát tại vị trí chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Đồng thời, thực hiện di dời toàn bộ số lượng cát đang tập kết tại bãi đi nơi khác; khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại diện tích đã lấn chiếm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

Liên quan đến việc tập kết cát trái phép, lấn chiếm đất rừng đặc dụng, Công ty Sông Hồng đã bị xử phạt hành chính 150 triệu đồng.

Hết thời gian nói trên, Công ty Sông Hồng vẫn chưa di dời xong. Do đó, ngày 17/2, UBND huyện Ea Kar tiếp tục ban hành quyết định gia hạn thời gian khắc phục hậu quả lần 2 cho Công ty Sông Hồng đến ngày 6/4 và báo cáo kết quả thực hiện di dời hoàn trả mặt bằng trước ngày 10/4.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV đến thời điểm ngày 10/4, phía công ty này vẫn chưa di dời xong bãi tập kết cát trái phép.

Trước tình hình này, mới đây vào ngày 14/4, UBND huyện Ea Kar tiếp tục ban hành quyết định gia hạn thời gian khắc phục hậu quả lần 3 cho Công ty Sông Hồng đến ngày 25/5/2023.

Theo ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, hiện nay, các đơn vị chức năng vẫn liên tục vào kiểm tra quá trình khắc phục hậu quả của Công ty Sông Hồng.

Về việc đến nay doanh nghiệp vẫn chưa di dời xong bãi tập kết cát trái phép, ông Tiến cho hay, khi các ngành chức năng về, họ mới tiến hành hút, nạo vét thì chưa có vận chuyển đi.

Sau khi xảy ra sự việc này, theo ý kiến của các Sở, ngành có liên quan, để vận chuyển cát đi được thì bắt buộc phải đấu nối ra quốc lộ.

Tuy nhiên, các thủ tục đấu nối kéo dài thời gian dài 4-5 tháng mới xong. Hơn nữa, sau khi đấu nối xong thì thời tiết mưa nhiều nên không thể di dời cát được.

Đến nay, bãi tập kết cát trái phép vẫn chưa được di dời xong. 

“Doanh nghiệp cũng đã trao đổi với chính quyền địa phương về việc, cát nạo vét không ai mua, không ai sử dụng nên họ xin khu bảo tồn để lại được không. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý và yêu cầu họ di dời theo quy định”, ông Tiến nói.

Còn theo ông Nguyễn Đức Toản, đại diện Công ty Sông Hồng, công ty tập kết sai đã chấp hành nộp phạt và đang thực hiện khắc phục hậu quả, di dời toàn bộ cát ra khỏi khu vực tập kết trái phép.

Việc chậm di dời cát tập kết trái phép là do thời gian gia hạn quá ngắn so với khối lượng cát và thời tiết mưa nhiều, ngập nước nên việc vận chuyển, dì dời cát không thực hiện được.

Hiện, Công ty Sông Hồng đang huy động 2 máy múc, 3 xe để trung chuyển cát.

“Công ty cam kết đến ngày 25/5/2023, sẽ di dời xong, nếu không xong cũng cho máy móc san bằng ra để trả lại mặt bằng cho khu bảo tồn và làm thông báo báo ra huyện”, ông Toản khẳng định.

Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật