Hồi hộp chờ dữ liệu lạm phát, chứng khoán Mỹ nhích nhẹ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng nhẹ trong phiên đầu tuần khi các nhà đầu tư thận trọng chuẩn bị đón nhận báo cáo lạm phát, giá sản xuất và báo cáo thu nhập từ các ngân hàng.
Hồi hộp chờ dữ liệu lạm phát, chứng khoán Mỹ nhích nhẹ
Chứng khoán Mỹ nhích nhẹ trong phiên ngày 10/4. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 10/4, chỉ số S&P 500 nhích 0,1% lên 4.109,11 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 101,23 điểm (tương đương 0,3%) lên mức 33.586,52 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,03% còn 12.084,36 điểm.

Cổ phiếu công nghệ chật vật trong phiên đầu tuần, với Apple giảm 1,6% và Alphabet mất 1,8%. Còn Tesla giảm 0,3% sau khi hãng tuyên bố sẽ lại giảm giá một số mẫu xe điện. Trái lại, cổ phiếu các nhà sản xuất chip tăng sau khi Samsung tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng để bảo vệ giá chip. Cổ phiếu Micron Technology tăng 8% khi đóng cửa phiên giao dịch.

Nhà đầu tư đang bước vào một tuần bận rộn với loạt dữ liệu kinh tế, bao gồm dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) của tháng 3, dự kiến lần lượt công bố vào thứ Năm và thứ Sáu. Các số liệu kinh tế quan trọng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ, tiếp tục tăng lãi suất, hay chuyển sang giảm lãi suất.

Chuyên gia Greg Bassuk của AXS Investments nhận định với hãng tin CNBC: “Các số liệu kinh tế không đồng nhất đang dẫn tới những bấp bênh xung quanh chính sách của Fed và gia tăng tâm lý bất an của nhà đầu tư trên sàn Phố Wall. Số liệu việc làm khá mạnh vào hôm thứ Sáu tuần trước đặt ra khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý rằng mối quan ngại lớn nhất của giới đầu tư là nguy cơ kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, và thị trường dường như đang chịu sức ép lớn cho tới cuộc họp tiếp theo của Fed”.

Theo kế hoạch, cuộc họp chính sách kế tiếp của Fed sẽ diễn ra vào ngày 2-3/5.

Hôm thứ Sáu tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Good Friday. Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 3. Số liệu báo cáo việc làm mới nhất cho thấy nền kinh tế vẫn trụ vững và lạm phát dần hạ nhiệt, sau khi một số báo cáo trước đó phản ánh sự suy yếu của thị trường lao động.

Khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có 236.000 công việc mới trong tháng 3, gần bằng mức dự báo 238.000 công việc mới đưa ra trong cuộc khảo sát chuyên gia của hãng tin Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,5%, thay vì đi ngang ở 3,6% như dự báo.

Phát biểu với đài CNBC, chuyên gia Rick Rieder của BlackRock nói rằng báo cáo việc làm tháng 3 không quá bi quan so với dự báo, song cho thấy tăng trưởng của kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu giảm tốc.

Theo chuyên gia Rieder, báo cáo bảng lương đã minh họa “một thị trường lao động đang giảm tốc rõ rệt sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ đáng kể”.

Một số nhà phân tích khác cho rằng những dữ liệu này chỉ ra nền kinh tế Mỹ đang trượt dần vào suy thoái dưới sức ép của lãi suất cao. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái như vậy sẽ không đủ để khiến lạm phát giảm về mức mục tiêu 2% của Fed, và ngân hàng Trung ương vẫn sẽ phải tăng lãi suất để chống lạm phát. Nếu nền kinh tế suy thoái mà lạm phát vẫn cao và lãi suất tiếp tục tăng, đó sẽ là một “cơn ác mộng” của nhà đầu tư cổ phiếu.

Tuần này cũng là thời điểm bắt đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023, với loạt ngân hàng lớn là JPMorgan Chase, Wells Fargo và Citigroup sẽ công bố báo cáo đầu tiên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật