Bên cạnh đột quỵ cấp, mọi người cũng cần cảnh giác khi bị đột quỵ nhẹ
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng đơn vị Đột quỵ tại Đại học Y Dược TP.HCM, Phó trưởng bộ môn Thần kinh tại Đại học Y Dược TP.HCM, thiếu máu não thoáng qua có biểu hiện triệu chứng tương tự như một cơn đột quỵ nhưng chưa gây ra các tổn thương thực sự trên các tế bào não.
Tuy nhiên, hiện tượng này có tỷ lệ tái phát cao hơn đột quỵ nhiều lần, gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe người bệnh.
Thiếu máu não thoáng qua là gì?
Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra khi một động mạch não bị bít hay nghẽn, sau đó lại tự tái thông. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi một cục máu đông gây bít tắc mạch máu não sau đó tự chuyển ra khỏi chỗ khác.
Các biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua giống như đột quỵ cấp, bao gồm các triệu chứng “méo cười, ngọng nói, run tay”, cụ thể như sau:
- Yếu tê hoặc liệt ở một bên cơ thể;
- Méo miệng;
- Nói ngọng hoặc khó hiểu lời người khác;
- Đột ngột nhìn mờ không nhìn thấy ở một hoặc hai mắt;
- Đột ngột choáng váng.
Một người nếu như trước đó đã xuất hiện cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ có nguy cơ rất cao xảy ra đột quỵ cấp.
Đột quỵ cấp là mối đe dọa đến sức khỏe vì có thể khiến não bị tổn thương vĩnh viễn, người bệnh bị tàn phế như liệt hoặc không thể nói được như bình thường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên thế giới.
"Vì vậy, khi nghi ngờ bản thân đang gặp phải tình trạng này, bạn cần chia sẻ để được người thân theo dõi sát sao và thông báo đến bác sĩ phương pháp điều trị kịp thời", tiến sĩ Thắng khuyến cáo.
Thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ là một?
"Cũng phù hợp nếu chúng ta coi thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ là một. Thực ra, 2 hiện tượng này là 2 mức độ khác nhau của một tình trạng bệnh lý mà thôi!", tiến sĩ Thắng giải thích cả 2 hiện tượng này đều cần cấp cứu nhanh chóng và kịp thời.
Tuy nhiên, hiện tượng thiếu máu não thoáng qua chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khi mạch máu não bị tắc nghẽn tạm thời và tự thông sau đó.
Dù có mức độ nhẹ hơn, lại hồi phục nhanh chóng, tỷ lệ tái phát ở người bị thiếu máu não thoáng qua lại cao hơn người bị đột quỵ.
"Một khi đã tái phát, người từng bị thiếu máu não thoáng qua có thể gặp hiện tượng đột quỵ cấp cực kỳ nguy hiểm", tiến sĩ Thắng đánh giá.
Người từng bị thiếu máu não thoáng qua rất dễ bị đột quỵ. Ảnh: Shutterstock.
Theo tiến sĩ Thắng, tỷ lệ tái phát ở người bị đột quỵ là 4-5%/năm. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người bị thiếu máu não thoáng qua lần lượt là 7% trong 2 ngày đầu tiên sau khi bị, 12%/tháng, 17%/3 tháng và 20-30% cho khoảng thời gian lâu dài hơn.
Do vậy, khi đã bị thiếu máu não thoáng qua, mọi người không nên chủ quan đã hồi phục mà cần đi khám càng sớm càng tốt để đưa ra phương án dự phòng đột quỵ.
Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ kiểm tra, siêu âm, chụp hình não để phát hiện tổn thương trong não - nguyên nhân dẫn đến đột quỵ sau này.
Ngoài ra, người bình thường có thể khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm, siêu âm mạch máu não, một số trường hợp cần chụp não để tầm soát nguy cơ đột quỵ.
Tuyệt đối không chích máu cho bệnh nhân đột quỵ
Khi phát hiện một người có 3 triệu chứng “méo cười, ngọng nói, run tay”, những người xung quanh cần ngay lập tức đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
"Thời gian là não. Nếu chần chừ không đưa người bệnh đi bệnh viện liền, các tế bào não của họ sẽ càng tổn thương nhiều hơn", tiến sĩ Thắng nhấn mạnh.
Một khi gặp tình huống nói trên, những người xung quanh cần giữ bệnh nhân an toàn: đỡ người bệnh, tránh để họ ngã hoặc chấn thương; lấy thức ăn trong miệng người bệnh nếu có do thức ăn có thể khiến họ ngộp thở.
Sau đó, mọi người nên dùng các phương tiện tốt nhất nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu, đặc biệt là những bệnh viện có điều trị đột quỵ. Người bệnh tốt nhất nên được đặt ở thế nằm thay vì ngồi.
"Nếu có thể, chúng ta nên gọi hệ thống cấp cứu 115 để bệnh nhân có thể được cấp cứu một cách chuyên nghiệp nhất và đưa đến bệnh viện nhanh nhất có thể", vị chuyên gia này nói.
Ngoài những biện pháp nói trên, mọi người tuyệt đối không nên thực hiện những biện pháp truyền miệng như chích máu, cạo gió, cắt lễ, vắt chanh vào miệng người bệnh hoặc cho bệnh nhân uống viên hoàn, uống thuốc, thậm chí là thuốc huyết áp họ thường dùng.
Lấy ví dụ là biện pháp chích máu được nhiều người tin tưởng áp dụng, vị chuyên gia này cho hay việc này có thể khiến khó cầm máu hoặc gây nhiễm trùng cho bệnh nhân.
"Khi đã xảy ra đột quỵ rồi, việc điều chỉnh huyết áp phải được thực hiện ở trong bệnh viện bởi nhân viên y tế. Việc những người không có chuyên môn y tế tự tìm cách hạ huyết áp nhiều và nhanh quá cũng có thể làm hại bệnh nhân", tiến sĩ Thắng khuyến cáo.