Môn tích hợp có làm khó giáo viên?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nên chăng Bộ GD&ĐT cần xem xét, đánh giá lại việc triển khai môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018
Môn tích hợp có làm khó giáo viên?
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 18-3, vấn đề dạy môn tích hợp trong chương trình mới được nhiều đại biểu đề cập.

Cần đánh giá lại việc dạy môn tích hợp

Chia sẻ tại buổi làm việc, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn, cho biết trong quá trình đi giám sát tại các địa phương, việc dạy môn tích hợp tại bậc THCS luôn được đoàn quan tâm.

Thời gian đầu, một giáo viên (GV) phải đảm nhận dạy môn lịch sử và địa lý hay khoa học tự nhiên có thể sẽ không gặp khó. Tuy nhiên lên lớp cao hơn lại là vấn đề khác.

“Dạy môn này ở lớp 6, 7 sẽ dễ, nhưng khi lên lớp 8, 9 GV sẽ gặp khó. Cụ thể như GV hoá dạy lý sẽ khó có thể giải đáp hết những kiến thức chuyên sâu khi HS hỏi" - ông Sơn nêu.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết cũng cho rằng, sau một quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT nên đánh giá lại việc tổ chức dạy môn tích hợp. Nếu có gì chưa phù hợp thì xem xét điều chỉnh.

Đoàn đã tổ chức nhiều cuộc giám sát việc thực hiện chương trình mới tại các quận, huyện trên địa bàn.

Ở TP.HCM, GV sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng, nhận chứng chỉ sẽ được phân công dạy môn tích hợp. Tuy nhiên, để thầy cô có chuyên môn lý, tự tin khi giảng dạy các phân môn khác thì các tổ bộ môn phải họp thường xuyên. Nếu GV gặp vướng mắc, tổ sẽ họp tìm cách khắc phục. Do đó, các GV tự tin khi đứng lớp có sự hỗ trợ rất lớn từ đồng nghiệp, tổ chuyên môn.

Hiểu đúng về tinh thần môn học

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết ưu điểm của chương trình mới ở cấp THCS là giáo dục phổ thông nền tảng.

“Tôi mong mọi người hiểu đúng tinh thần chương trình và môn học tích hợp. Môn khoa học tự nhiên là môn học thường thức, yêu cầu đặt ra không cao” - ông Hiếu nói.

Vừa qua, Sở GD&ĐT có chỉ đạo các phòng chuyên môn đi dự một số giờ ở quận Gò Vấp khi GV cho rằng dạy môn tích hợp áp lực. Sau khi nắm tình hình, có thể thấy GV có lĩnh hội, có tập huấn nhưng chưa đảm bảo được tinh thần giảng dạy.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ tại buổi làm việc sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Chương trình yêu cầu học sinh hiểu một cách cơ bản kiến thức khoa học tự nhiên, không đi sâu. Chủ đề này Sở cũng đã làm việc với hai đơn vị đào tạo để có những buổi tập huấn. Hơn nữa, các GV dạy tốt cũng sẽ tổ chức chuyên đề chia sẻ"- ông Hiếu nói thêm.

Tại TP.HCM, khi Bộ GD&ĐT vừa ban hành chương trình, Sở GD&ĐT đã làm việc với Đại học Sài Gòn xây dựng một số mô-đun để bồi dưỡng GV. Tất cả GV được bồi dưỡng đều tham gia giảng dạy nhưng vẫn còn một số người chưa tự tin.

Với những trường hợp này, Sở sẽ tiếp tục có tập huấn để giúp họ hiểu vấn đề. "Nền tảng HS cần tiếp thu, kiến thức các em cần đạt chỉ ở mức khoa học phổ thông cơ bản chứ chưa phân hoá sâu như THPT. Vì thế chúng ta cần phải chia sẻ, hiểu tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách đầy đủ nhất, đảm bảo không quá tải, áp lực cho HS cấp THCS” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho hay, Nghị quyết 29 của Trung Ương nêu rõ giáo dục phải đổi mới theo hướng tinh giản, đặc biệt tích hợp ở lớp dưới và phân hoá dần ở lớp trên.

Trong đó, bậc tiểu học, THCS cố gắng lồng ghép những kiến thức ở một số lĩnh vực giống nhau để hình thành môn tích hợp. Ở THPT, học sinh học các môn bắt buộc, có thêm các môn tự chọn, chuyên đề giáo dục.

tiết học khoa học tự nhiên của học sinh Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

"Việc thiết kế chương trình giáo dục phổ thông đang thực hiện như trên. Cụ thể, bậc THCS có môn tích hợp là khoa học tự nhiên. Môn học đó được thiết kế trên nền tảng của khoa học vật lý, hoá học, sinh học và khoa học trái đất với những kiến thức cơ bản" - ông Độ chia sẻ thêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật