Việt Nam - Điểm sáng của thế giới về bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong những năm qua, với nhiều nỗ lực và hành động mạnh mẽ từ việc ban hành thể chế chính sách, Pháp Luật tới triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể, thiết thực, Việt Nam đã bảo tồn, phục dựng thành công nhiều nghi lễ, phong tục, tập quán văn hóa truyền thống. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nhiều di sản văn hóa trong kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới.
Việt Nam - Điểm sáng của thế giới về bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa
Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) là 1 trong 8 Di sản văn hóa thế giới của Việt Nam. Ảnh: Bích Nguyên

Sức sống di sản trong dòng chảy hiện đại

Ngày 30/9/2009, quan họ Bắc Ninh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó đến nay, các cấp, các ngành nói chung, tỉnh Bắc Ninh, cộng đồng các làng quan họ nói riêng và nhân dân đã có những hoạt động tích cực bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ trong cuộc sống đương đại.

Sự kiện gần đây nhất là Festival “Về miền quan họ - 2023” được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh từ ngày 24 đến ngày 28/2. Không chỉ quảng bá quan họ Bắc Ninh, sự kiện còn có ý nghĩa kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận thông qua rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Miền di sản, tinh hoa và bản sắc”. Tại chương trình, khán giả đã được thưởng thức các di sản văn hóa phi vật thể thế giới bao gồm: Hát xoan Phú Thọ, ví giặm Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh), nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Lắk), đờn ca tài tử Nam Bộ (Bạc Liêu).

Festival “Về miền quan họ - 2023” là một trong những hoạt động đóng góp vào kết quả bảo tồn và phát huy tính đa dạng văn hóa của Việt Nam. Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến tháng 11/2021, cả nước kiểm kê được hơn 40.000 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 8 di tích được UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; hơn 10.000 di tích đã được xếp hạng; 64.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 15 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, 396 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, cả nước có 1.390 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân; 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới ghi danh (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Toàn quốc có 187 viện bảo tàng, trong đó có 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản hơn 4 triệu hiện vật; có 215 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam có gần 8.000 lễ hội được lưu truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làm nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục. Trong đó, có nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu sưu tầm và phục dựng. Đảm bảo tính đa dạng, phong phú về sắc thái, văn hóa của các vùng miền trên cả nước.

Đóng góp tích cực trong bảo tồn di sản

Đánh giá về nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho hay: “Trước hết, phải khẳng định, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện với hệ thống văn bản pháp lý nhiều nhất, đồng bộ nhất trong các ngành thuộc quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước và hội nhập quốc tế. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội”.

“Kể từ năm 2001 tới nay, đã có 47 văn bản pháp lý về di sản văn hóa gồm: Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều củaLuật Di sản văn hóa năm 2019; 9 nghị định của Chính phủ, 3 quy định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 15 thông tư, 8 quyết định, 3 chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ. Đó là kim chỉ nam quan trọng mang tính chỉnh thể trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ cho biết thêm.

Trên trường quốc tế, Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực và khẳng định vai trò của mình khi tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn về bảo tồn văn hóa. Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia vào quá trình soạn thảo và sớm phê chuẩn Công ước UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được thông qua vào ngày 20/10/2005. Với uy tín của mình, Việt Nam đã trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO nhiệm kỳ 2011-2015.

Uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định khi lần thứ 2 được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2005, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, đồng thời thể hiện đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực của UNESCO về bảo tồn di sản.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật