Cạch mặt hàng ăn, quán cà phê vì nhà vệ sinh bẩn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỗi khi được bạn bè rủ tới hàng quán nào đó, một trong những điều đầu tiên Lan Anh (TP.HCM) luôn hỏi là “nhà vệ sinh ở đó có sạch không?”.
Cạch mặt hàng ăn, quán cà phê vì nhà vệ sinh bẩn
Nhiều khách hàng cân nhắc yếu tố nhà vệ sinh sạch sẽ khi lựa chọn một quán cà phê, ăn uống. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Lan Anh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) thừa nhận bản thân có sự ám ảnh nhất định với mức độ sạch sẽ của nhà vệ sinh, dù là ở nhà, ở trường học, cơ quan hay bất kỳ hàng quán nào.

“Nhà vệ sinh sạch sẽ rất quan trọng, đặc biệt là với các quán ăn vì phản ánh khâu vệ sinh chung. Toilet bẩn thì tôi nghĩ thức ăn, đồ uống cũng không thể sạch được”, cô nói với Zing.

Cô gái 27 tuổi ưu tiên nhà vệ sinh sạch trên cả không gian đẹp, nhu cầu check-in sống ảo.

“Nhà hàng, quán cà phê nào có nhà vệ sinh bẩn, dù thức ăn, đồ uống ngon đến mấy tôi cũng không bao giờ dám quay lại. Tôi thậm chí bảo bạn bè tránh quán đó luôn”, cô nói.

Tương tự Lan Anh, khu vệ sinh là một trong những tiêu chí nhiều thực khách dùng để đánh giá chất lượng ở một hàng quán ghé thăm. Đối với họ, một cơ sở dịch vụ ăn uống sẽ ghi điểm nếu có nhà vệ sinh sạch sẽ và ngược lại, chất lượng quá thấp sẽ là điểm trừ, thậm chí trở thành yếu tố làm “mất khách”.

Cho vào danh sách đen vì toilet bẩn

Lan Anh từng cho nhiều hàng quán vào “danh sách đen”, không bao giờ quay lại vì nhà vệ sinh bẩn.

“Có lần, tôi vào đại một quán cà phê trên đường Phan Xích Long để ngồi làm việc thì ám ảnh vì nhà vệ sinh bẩn, dùng chung nam và nữ. Cơ sở vật chất rất mới nhưng nhân viên cả ngày hình như không đổ rác, lau dọn gì. Rác trong thùng tràn ra ngoài, bệ bồn cầu còn đọng nước, mùi khai rất khó chịu”.

Lần đó, không nhịn được nên cô phải đi vệ sinh theo kiểu “đứng tấn”. Cô cũng không bao giờ ghé lại nơi này.

Tương tự, Khánh Linh (sinh năm 2003) từng méo mặt khi bước vào nhà vệ sinh một quán cà phê khá nổi ở quận Hà Đông (Hà Nội) vào cuối tháng 11/2022, nơi hút khách nhờ trang trí đẹp, nhiều concept check-in.

Ngay từ lúc tới, cô cảm giác điềm “không lành” khi thấy hàng dài người xếp hàng chờ chụp ảnh.

“Nhìn bên ngoài quán sang chảnh nhưng tôi hết hồn khi bước vào nhà vệ sinh, chắc đông khách quá nên nhân viên không để ý dọn. Sàn nhà ướt, đầy vết giày, ám mùi. Tôi đành bấm bụng dùng một lần rồi không quay lại”.

Có sở thích chụp ảnh, tụ tập bạn bè và quay clip đăng mạng xã hội, Khánh Linh thường lui tới các quán cà phê 2-3 lần/tuần. Ngoài tiêu chí view đẹp, thiết kế mới lạ, nhà vệ sinh sạch sẽ là một trong những yếu tố cô cân nhắc để lựa chọn quán.

Khánh Linh từng có trải nghiệm tệ ở nhà vệ sinh quán cà phê. Ảnh: NVCC.

“Ngoài nhu cầu chính là đi vệ sinh, nhiều người đi cà phê, đặc biệt các bạn nữ, sẽ hay cần vào nhà vệ sinh để chỉnh lớp trang điểm hay thậm chí thay đồ”, cô nói.

Theo cô, hiểu được tâm lý này của nhóm khách trẻ, nhiều quán cà phê mới mở đầu tư cho khu vệ sinh, rửa tay như khử mùi, gương soi thậm chí máy sấy tay.

Tuy nhiên, vẫn có không ít nơi chưa làm tốt khâu này, nhất là những quán đang nổi tiếng, thường xuyên đông khách. Linh cho rằng lượng lớn người ra vào liên tục, nhà vệ sinh rất dễ đọng nước, mùi và bám bẩn nếu không được thường xuyên nhanh chóng lau dọn.

Cô cũng cho hay nếu biết trước một hàng quán có khu vệ sinh bẩn, dù view đẹp, đồ ăn uống ngon hay chất lượng phục vụ cao đến đâu, cô sẽ không bao giờ ghé.

"Rất nhiều quán có không gian vừa phải, diện tích nhỏ nhưng có điểm cộng vì sự tinh tế, như có tủ đựng băng vệ sinh, bông tẩy trang cho các bạn nữ. Một số quán còn chuẩn bị sẵn kem dưỡng tay, axyton cho khách", Linh kể.

Nhà vệ sinh sạch sẽ cũng là yếu tố gây ấn tượng với khách du lịch. Theo một báo cáo của công ty QS Supplies được đăng tải trên Nikkei Asia hồi tháng 1, Hà Nội và TP.HCM được đánh giá là hai trong số các thành phố du lịch có chất lượng nhà vệ sinh công cộng tệ dành cho du khách.

Cụ thể, hai thành phố lớn của Việt Nam bị xếp vào nhóm chót bảng về mật độ nhà vệ sinh công cộng tính trên đơn vị km2. Hà Nội xếp thứ 66, TP.HCM xếp thứ 67 trên tổng 69 cái tên trong danh sách, chỉ trên Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập.

"TP.HCM đáp ứng mọi thứ mà du khách muốn: thức ăn ngon, lịch sử, kiến trúc, cuộc sống dân địa phương... nhưng trừ nhà vệ sinh", Nikkei Asia nhận xét.

Chỉ chọn quán quen nếu muốn dùng toilet

Là designer, Hồng Anh (sinh năm 2000, TP.HCM) thường xuyên tới quán cà phê làm việc. Những ngày trong tuần, ban ngày bận đi học và đi làm, nên buổi tối cô đi cà phê để chạy job ngoài thêm 3 tiếng. Thứ 7 và chủ nhật, Hồng Anh dành 8 tiếng làm việc ở quán cà phê.

Hiện tại, Hồng Anh có 3 tiệm cà phê “ruột” để ngồi làm việc. Ưu tiên khi cô chọn quán trước hết là không gian đẹp, thoải mái; tiếp đến là nhà vệ sinh sạch sẽ; sau đó là chất lượng đồ uống và thái độ phục vụ của nhân viên.

“Với tôi, nhà vệ sinh phải sạch, nên là màu trắng, sàn nhà khô, có mùi thơm càng tốt. Nếu bệ bồn cầu không trắng sạch, tôi sẽ không dám ngồi. Trong nhà vệ sinh cần có bồn rửa và xà phòng, giấy khô. Có vòi xịt là một điểm cộng lớn”.

Ngoài không gian ấn tượng, chất lượng đồ ăn, dịch vụ tốt, hàng quán cần giữ không gian toilet sạch sẽ để lấy lòng thực khách. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Cô nàng 23 tuổi giải thích nhà vệ sinh bẩn dễ khiến khách hàng liên tưởng đến mức độ sạch sẽ của đồ ăn, thức uống.

“Tôi rất dị ứng khi bước vào một nhà vệ sinh bẩn. Nếu chỉ vào để ăn, uống một chút, tôi có thể nhịn, nhưng ngồi làm việc lâu thì không thể tránh được”, cô nói.

Hồng Anh cũng chia sẻ vì công việc thiết kế liên quan đến “cái đẹp”, nên nếu phải thấy hình ảnh xấu xí, bẩn thỉu bên trong nhà vệ sinh cũng đủ khiến cô có ấn tượng xấu về một hàng quán.

Nữ designer từng “cạch mặt” một quán cà phê trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh) vì nhà vệ sinh quá dơ. Cả sàn nhà và bồn cầu đều bẩn, khiến cô phải đi vệ sinh trong tư thế “squat” vì không dám chạm vào.

Cũng là người thường xuyên tới các quán cà phê để tìm cảm hứng làm việc, Mạnh Quân (sinh năm 1994, Hà Nội) chỉ chọn ngồi các quán quen nếu xác định hôm đó dành nhiều thời gian ở quán, cần dùng nhà vệ sinh.

Mạnh Quân có danh sách quán quen có nhà vệ sinh sạch để lựa chọn mỗi khi muốn ngồi lại lâu. Ảnh: NVCC.

Theo anh, nhà vệ sinh ở hàng quán không cần quá tiện nghi nhưng ít nhất cần sạch sẽ, có nước rửa tay và dọn dẹp thường xuyên bởi đây là khu vực nhiều vi khuẩn, nhiều người lạ cùng sử dụng.

Quân từng có trải nghiệm tệ ở toilet một số quán như gương bẩn, giấy vệ sinh vung vãi, không nước rửa tay, bồn cầu hỏng hay thậm chí không thể đóng chốt cửa phòng.

Tuy nhiên, cũng có một số nhà vệ sinh “độc lạ”, được chủ quán đầu tư concept, đèn chiếu sáng cho khách chụp ảnh check-in khiến anh bất ngờ và khá thích thú. Chính vì là một trong những góc được đầu tư, phần lớn toilet trong số này được quán giữ khá sạch sẽ, khử mùi tốt.

Chàng trai sinh năm 1994 nhận định nhóm khách trẻ như anh hiện nay đánh giá cao sự thoải mái, tận hưởng trọn vẹn không gian ở quán ăn, quán cà phê.

“Một góc view đẹp, nhân viên thân thiện, đồ ăn thức uống ngon sẽ là điều thu hút khách đến quán song đôi khi chính chiếc nhà vệ sinh sạch, thơm lại là nhân tố khiến khách trở lại nhiều lần, an tâm dùng dịch vụ. Tôi nghĩ đây là chi tiết tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ mà chủ hàng quán cần lưu ý”, anh nhận định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật