“Chợ nợ xấu” vẫn chưa thể xôm dù nguy cơ nợ xấu tăng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Qua 3 năm khó khăn do dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp được khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ… Nhưng hiện tại, chính sách này đã hết và các ngân hàng phải hạch toán đúng, đủ tình trạng nợ của khách hàng. Đáng nói, nguy cơ nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng, trong khi ’chợ nợ xấu’ mua bán vẫn... èo uột.
“Chợ nợ xấu” vẫn chưa thể xôm dù nguy cơ nợ xấu tăng
Tỷ lệ nợ xấu trung bình năm 2022 của 27 ngân hàng đã tăng gần 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2021. (Ảnh minh họa: Int)

Để tổ chức tín dụng yên tâm bán nợ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quy định thẩm định giá các khoản nợ xấu. Hiện chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá các khoản nợ, nên các tổ chức tín dụng lúng túng trong xác định mức giá khởi điểm khi cho mua bán nợ.

Rao bán những khoản nợ chưa từng có tiền lệ

Hiện các ngân hàng đều đang “nóng lòng” muốn xử lý dứt điểm những khoản nợ xấu khó đòi bằng cách rao bán tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, NCB hiện đang liên tục đăng thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của cá nhân, doanh nghiệp là bất động sản, nhà máy… thậm chí mới đây, lô hàng (tài sản hình thành từ vốn vay) của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận Phát, thông báo NCB cho biết, tài sản đảm bảo đã bị tẩu tán, khó có khả năng thu hồi.

Đáng chú ý, Vietinbank chi nhánh KCN Biên Hòa thông báo, đang phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp tiến hành các thủ tục bán đấu giá công khai khoản nợ của Công ty TNHH Việt Thuận Thành, với tổng giá trị khoản nợ tạm tính theo sổ sách đến hết năm 2022 là hơn 1.297 tỷ đồng.

VietinBank lưu ý khoản nợ trên không còn tài sản đảm bảo do đã xử lý bán đấu giá tài sản năm 2018. Trong lần rao bán trước đó, VietinBank ghi nhận khoản lãi cộng dồn đến 8/12/2022 là hơn 704 tỷ đồng.

VietinBank thông báo bán đấu giá 321 khoản nợ vay tiêu dùng của 321 cá nhân với tổng giá khởi điểm hơn 6 tỷ đồng. Đây là các khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, giá trị đấu giá khởi điểm từ gần 13.000 đồng tới hơn 68 triệu đồng. Khách hàng có thể đăng ký mua một khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả khoản nợ trong số 321 khoản nợ này.

Qua 3 năm khó khăn do dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp được khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ… Nhưng hiện tại, chính sách này đã hết và các ngân hàng phải hạch toán đúng, đủ tình trạng nợ của khách hàng.

Theo FiinRatings, sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN kết thúc (30/6/2022), các ngân hàng bắt đầu đối mặt với nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu.

Khảo sát báo cáo tài chính của 27 ngân hàng có niêm yết trên thị trường chứng khoán, tính đến cuối năm 2021, có 13/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng lên, 11/27 ngân hàng giảm xuống. Tỷ lệ nợ xấu trung bình năm 2022 của 27 ngân hàng đã tăng gần 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Saigonbank nợ xấu của ngân hàng tăng từ mức 1,97% đầu năm lên 2,12% cuối năm 2022; TPBank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,34% đầu năm lên 2,88%. Tại VIB, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45%; Con số này ở LienVietPostBank tăng từ mức 1,37% đầu năm lên 1,46% tại thời điểm cuối năm 2022; Ngân hàng Bản Việt, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,53% đầu năm lên mức 2,79% vào cuối năm 2022…

"Chợ nợ xấu" vẫn chưa được như kỳ vọng

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận xét: "Nếu thị trường bất động sản phục hồi sẽ góp phần hạn chế nợ xấu, nhưng quan trọng là phải có thị trường mua bán nợ để thu hút nhiều thành phần tham gia, bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có những khoản nợ khó thu hồi có thể phải chiết khấu tới 80%-90%.

Thực tế, "chợ" mua bán nợ tại Việt Nam đã có từ hơn 1 năm nay nhưng chưa như kỳ vọng. Cụ thể, sàn giao dịch nợ VAMC đã hoạt động từ tháng 10/2021, nhưng thông tin từ công ty này cho biết, lũy kế tính đến hết năm 2022 mới có gần 160 thành viên đăng ký, ký hợp đồng nguyên tắc với 18 khách hàng là tổ chức tín dụng và các đơn vị thành viên. Tổng giá trị các khoản nợ trên sàn khoảng 38.000 tỷ đồng và VAMC đã thực hiện thành công hợp đồng tư vấn cùng khách hàng với tổng giá trị khoản nợ, tài sản bảo đảm gần 340 tỷ đồng… Hiện tại, sàn giao dịch nợ đang chuẩn bị ký các hợp đồng môi giới và tư vấn với khách hàng.

Tuy vậy, các chuyên gia nhìn nhận giá trị giao dịch thành công của sàn giao dịch nợ VAMC là quá khiêm tốn so với nhu cầu thị trường. Nghiên cứu từ một số nước thị trường mua bán nợ thành công như Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, một trong những yếu tố giúp cho thị trường mua bán nợ các nước trên phát triển là nhờ khuôn khổ Pháp Luật chặt chẽ, chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; quy định tiêu chuẩn về việc định giá nợ và tài sản đảm bảo. Các loại hàng hóa trên thị trường đa dạng, trong đó khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường. Và điều kiện quan trọng nữa là phát triển thị trường thứ cấp.

Để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là Nghị định về thị trường mua bán nợ. Trong đó bổ sung các chủ thể tham gia thị trường gồm nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước... Đặc biệt, sớm luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 và nhu cầu thời gian tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật