Cơ hội và thách thức
Trong bài phát biểu, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp là xác định đúng chức năng thực hiện quyền tư pháp, đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp và chủ thể thực hiện quyền tư pháp. Từ đó, nhiệm vụ tiếp theo được đặt ra là hoàn thiện nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp.
Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án 2014 là vấn đề cấp bách hiện nay. Qua gần 10 năm thi hành đến nay Luật Tổ chức TAND 2014 đã phát huy tác dụng nhất định và cũng đã bộc lộ nhiều điểm không hợp lý, phải thay đổi.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đây là cơ hội cũng là thách thức của ngành Tòa án. Bởi tất cả các cuộc cải cách, lĩnh vực nào cũng vậy, căn cốt của việc đổi mới dựa trên hai trụ cột. Một là tổ chức bộ máy và việc sắp xếp nhân sự sao cho hợp lý; hai là các phương thức, cách thức hoạt động thế nào để cho hiệu quả tốt nhất.
“Nếu không nắm bắt, tận dụng cơ hội này, chúng ta đã bỏ lỡ một dịp rất quan trọng để biến đổi chất lượng công tác của ngành”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Đề cập đến Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Chánh án cho biết Nghị quyết có 6 mục tiêu quan trọng, trong đó có xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết 27 xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, nhiệm vụ thứ ba là CCTP, xây dựng nền tư pháp độc lập theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và tuân theo Pháp Luật.
Trên cơ sở Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền cũng như từ thực tiễn ngành, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh các nguyên tắc tổ chức: Tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không theo đơn vị hành chính; tăng cường tính độc lập giữa Tòa án các cấp; vụ án đặc thù phải được xét xử bằng Tòa án chuyên biệt và quy mô phải phù hợp với khối lượng, tính chất công việc.
Các cấp Tòa án hiện được gọi tên gồm TANDTC, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện. Nay với tinh thần cải cách, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị nghiên cứu việc thay đổi tên gọi các cấp Tòa án cho đúng bản chất cấp xét xử.
Chánh án cho rằng, cách gọi TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện như hiện nay vô hình chung đã “hành chính hóa” Tòa án. Chính vì vậy nên chăng chúng ta gọi gọi là TANDTC, TAND cấp cao, TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm, tức là theo cấp xét xử.
Trình bày tiếp về dự kiến sửa đổi Luật Tổ chức TAND 2014, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu đề xuất, TANDTC cơ bản vẫn giữ nhiệm vụ, thẩm quyền như hiện nay, chỉ tổ chức lại bộ máy giúp việc tinh gọn hơn, còn TAND cấp cao sẽ thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án đã có hiệu lực Pháp Luật của “TAND phúc thẩm” và “TAND sơ thẩm”; đồng thời xét xử phúc thẩm các bản án của “TAND sơ thẩm” chuyên biệt bị kháng cáo, kháng nghị.
TAND cấp tỉnh hiện nay, ngoài việc dự kiến sẽ đổi tên là “TAND phúc thẩm” cũng sẽ được điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, Tòa này thực hiện xét xử phúc thẩm các bản án của “TAND sơ thẩm” bị kháng cáo, kháng nghị.
Đề xuất thành lập Tòa chuyên biệt
Cũng trong bài phát biểu, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh ý tưởng thành lập các Tòa chuyên biệt. Đây là những đơn vị xét xử ở cấp sơ thẩm, chuyên về các mảng khó như sở hữu trí tuệ (SHTT), phá sản, án hành chính và dần dần với sự phát triển của xã hội, có thể có những loại việc khác.
Các đại biểu tham dự buổi tập huấn
"Với nhu cầu hiện tại, nên lập một hay hai Tòa, được thành lập ở các địa hạt khác nhau, chuyên xử về lĩnh vực SHTT. Nếu chỉ thành lập một tòa chuyên biệt về SHTT thì thành lập ở Hà Nội, xử án chung cả nước. Nếu thấy cần thiết thêm cả TP.HCM nữa thì thành lập hai Tòa, cái này sẽ phải bàn thêm", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu.
Về Tòa chuyên xét xử các vụ án phá sản, “Hiện các tỉnh đang rất lúng túng về vấn đề phá sản, bên cạnh vướng về luật còn có cái vướng về thực thi Pháp Luật, tức là năng lực của chúng ta trong câu chuyện này còn bất cập”.
Từ đó, Chánh án đề xuất hai phương án, hoặc thành lập ba Tòa ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh; hoặc là hai Tòa ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và tin tưởng việc hình thành Tòa chuyên trách, với đội ngũ Thẩm phán chuyên giải quyết các vụ án phá sản sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt ra hiện nay.
Còn về án hành chính, theo Chánh án TANDTC, bất cập hiện nay là các vụ kiện Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện thì TAND cấp tỉnh xử. Tuy nhiên, khi Chủ tịch tỉnh, UBND cấp tỉnh bị kiện thì TAND cấp tỉnh xử lại “run tay”.
“Trong tình hình như vậy, nên chăng 5-7 tỉnh hình thành một tòa hành chính chuyên xét xử các vụ kiện hành chính cấp tỉnh để khách quan, độc lập và thoát khỏi địa giới hành chính”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đặt vấn đề và cho rằng quy mô các địa hạt tư pháp thế nào sẽ được cân nhắc căn cứ trên quy mô của nền hành chính.
Đây là những nội dung sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW/2022 sẽ diễn ra tới đây.