Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, để góp phần ổn định thị trường hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sản xuất, mua sắm tiêu dùng của nhân dân, Sở Công Thương Bến Tre đã xây dựng Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Theo đó, đến nay các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, với tổng trị giá trên 230 tỷ đồng.
Riêng Công ty Lương thực Bến Tre dự trữ gạo các loại 700 tấn, tại các kho huyện Ba Tri, Giồng Trôm và tại 2 cửa hàng Phường An Hội, Phường 7, thành phố Bến Tre và triển khai áp dụng chương trình giá bình ổn. Ngoài ra, tỉnh có 2 kho xăng dầu dự trữ khoảng 6.500 m3 xăng dầu và 355 cửa hàng bán lẻ đảm bảo phục vụ nhu cầu vận chuyển, đi lại của người dân.
Theo Sở Công Thương Bến Tre, các siêu thị, của hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối chủ động tăng từ 10% đến 25% các mặt hàng rau, củ, quả, thịt các loại (heo, gia cầm, hải sản...), sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm mát; sản phẩm rượu, bia giảm từ 5-10%; trong đó, các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường như gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản.
Đối với sản lượng nông, thủy sản của tỉnh cung cấp trong tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán 2023 khá dồi dào. Cụ thể 9.304 tấn lợn, 3.015 tấn bò, gia cầm 4.230 tấn, trứng gia cầm 6,918 triệu quả; cá tra 10.000 tấn; tôm các loại 340 tấn. Sản phẩm chưng ngày Tết gồm: 2.000 tấn bưởi, dưa dấu 2.500 tấn, xoài các loại 1.200 tấn, các loại quả (quýt, dứa, thanh long...) 2.000 tấn.
Tại Chợ đầu mối nông sản phường 8, các tiểu thương chủ động trong việc thu gom nguồn hàng về cung cấp cho địa phương, tăng từ 5-24% so ngày thường. Theo đó, rau, củ, quả tăng từ 18-24% (sản lượng ngày thường 47,5-50 tấn/ngày đêm),thủy hải sản tăng 5-10% (sản lượng ngày thường 11-12,5 tấn/ngày đêm), thịt gia súc, gia cầm tăng 8-14% (sản lượng ngày thường 2,3-2,8 tấn/ngày đêm), trứng gia cầm tăng 10-15% (sản lượng ngày thường 4.600-5.000 quả/ngày đêm).
Nông dân các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc vẫn sản xuất các mặt hàng hoa, kiểng truyền thống các loại như hoa nở vạn thọ, cúc mâm xôi, mào gà, mai vàng, hoa giấy… với sản lượng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2023 khoảng từ 14 - 15 triệu sản phẩm.
Sở Công Thương Bến Tre cho biết, nhu cầu mua sắm đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Do đó, Sở Công Thương Bến Tre yêu cầu các đơn vị trực thuộc theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá để chủ động có phương án hoặc đề xuất với UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến. Đặc biệt, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ, có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết nguyên đán.
Sở Công Thương Bến Tre yêu cầu các đơn vị trực thuộc hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý sản xuất các mặt hàng thiết yếu cần thiết (thực phẩm chế biến, bánh kẹo...) đảm bảo cung ứng ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Mặt khác, các đơn vị trực thuộc Sở Công Thương Bến Tre phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm lao động; kịp thời đề xuất những giải pháp phù hợp để tháo gỡ cho doanh nghiệp