Sự sụt giảm giá cổ phiếu của Tesla là một sự phá vỡ mạnh mẽ so với những ngày mà nó đi lên thắp sáng thị trường chứng khoán và mang lại cho công ty này giá trị thị trường hơn 1 nghìn tỷ đô la. Khi giá cổ phiếu Tesla giảm 8% vào ngày 20/12, chạm mức thấp mới trong 52 tuần qua, CEO Elon Musk đã cố gắng đổ lỗi cho các yếu tố kinh tế vĩ mô, nhưng các nhà phê bình thì không hoàn toàn đồng ý như vậy.
Cụ thể, giá cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Tesla đã chìm xuống mức thấp mới trong 52 tuần qua, đóng cửa ở mức khoảng 138 đô la một cổ phiếu. Trước thực trạng này, giám đốc điều hành Elon Musk đã cố gắng đổ lỗi cho việc giá giảm là do các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Nhưng Ross Gerber, người đầu tư lâu năm cho Tesla đã viết trong một tweet : "Thực trạng giá cổ phiếu Tesla hiện phản ánh hậu quả của việc rõ ràng không có sự lãnh đạo của CEO. Đã đến lúc thay đổi", Gerber thẳng thắn chia sẻ khi đã phát động một chiến dịch không chính thức để kêu gọi các cổ đông bỏ phiếu bổ nhiệm ông vào ban giám đốc của Tesla.
Musk đã trả lời trong một tweet rằng: "Khi lãi suất tài khoản tiết kiệm ngân hàng vốn được đảm bảo bắt đầu tiệm cận với lợi nhuận thị trường chứng khoán- vốn không được đảm bảo, mọi người sẽ ngày càng chuyển tiền từ cổ phiếu sang tiền mặt, do đó khiến cổ phiếu giảm giá".
Nhưng thực tế thì giá cổ phiếu của Tesla đã giảm nhiều hơn so với các nhà sản xuất ô tô lớn khác kể từ khi Musk công bố kế hoạch mua Twitter vào tháng 4 năm 2022. Kể từ ngày đó, cổ phiếu Tesla giảm 59%, so với 26% của Ford và 12% của GM.
CEO Tesla có rất nhiều điều khiến ông ấy phân tâm, như Gerber lưu ý: "Musk đã gây tranh cãi với tư cách là chủ sở hữu và Giám đốc điều hành mới của Twitter, gã khổng lồ truyền thông xã hội mà ông ấy đã mua lại trong một vụ mua lại bằng đòn bẩy vào cuối tháng 10, và cũng là Giám đốc điều hành của một công ty lớn, nhà thầu quốc phòng, SpaceX".
Musk đã bán hàng tỷ đô la cổ phiếu Tesla của mình để tài trợ cho thỏa thuận Twitter, bao gồm cả khoản mà Elon Musk đã bán thêm số cổ phiếu trị giá 3,6 tỷ đô la (2,9 tỷ bảng Anh) tại Tesla cách đây không lâu, trong cùng một tuần mà ông ấy để mất danh hiệu người giàu nhất thế giới vào tay Bernard Arnault của Pháp.
Ông ấy nói với các nhân viên trên Twitter rằng, mình đã bán cổ phiếu Tesla để "cứu" công việc kinh doanh của họ, nhưng sau đó lại tiến hành cắt giảm hơn một nửa số nhân viên tại công ty và đưa ra một loạt thay đổi chính sách, một số trong đó sau đó lại bị Elon Musk đảo ngược.
Trong khi Musk tập trung vào vai trò mới của mình là "Giám đốc Twit" kể từ cuối tháng 10, Tesla đã đưa ra các chương trình giảm giá và ưu đãi để bán ô tô ở Trung Quốc, nơi hãng điều hành một nhà máy lớn ở Thượng Hải; đấu tranh để làm cho các nhà máy mới ở Austin, Texas và Brandenburg, Đức hoạt động hiệu quả; và đối mặt với những thách thức dai dẳng về chuỗi cung ứng đặc hữu của ngành công nghiệp ô tô, cùng với giá năng lượng tăng cao ở châu Âu có thể làm giảm sức hấp dẫn của phương tiện chạy bằng pin đối với nhiều tài xế.
Chủ sở hữu của Twitter hiện đã bán số cổ phiếu Tesla trị giá 23 tỷ đô la trong năm nay, phần lớn sau khi Musk cam kết vào tháng 4 sẽ ngừng bán cổ phiếu để tài trợ cho thỏa thuận mua lại công ty truyền thông xã hội của mình. Ảnh: @AFP.
Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities viết: "Cơn ác mộng Twitter vẫn tiếp tục khi Musk sử dụng Tesla làm máy ATM của riêng mình để tiếp tục tài trợ cho Twitter, điều này ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi nhiều nhà quảng cáo rời khỏi nền tảng này với những tranh cãi ngày càng tăng do Musk thúc đẩy. Cho đến khi mọi thứ kết thúc? Đây vẫn là mối lo ngại đối với câu chuyện của Tesla".
Những thách thức đó, trong số những thách thức khác, đã khiến các chuyên gia của Mizuho Securities và Evercore ISI giảm mục tiêu kỳ vọng về giá cổ phiếu Tesla. Các nhà phân tích của Mizuho Securities đã viết trong một lưu ý rằng: "Trong ngắn hạn, chúng tôi nhận thấy doanh số bán hàng của Tesla có thể yếu đi do những trở ngại vĩ mô và người tiêu dùng có nhu cầu yếu hơn, những điều đó có thể khiến nhu cầu đối với xe điện giá cao hơn giảm xuống".
Còn Joshua White, trợ lý giáo sư của Đại học Vanderbilt, người trước đây từng là nhà kinh tế học cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) nói với CNBC rằng: "Chỉ có thể đổ lỗi một phần cho một số sự sụt giảm giá trị cổ phiếu của Tesla là do lãi suất. Phần phát sinh từ thương vụ thâu mua Twitter cũng là một thành phần quan trọng tác động nên. Trung Quốc là một thành phần lớn khác chi phối. Chúng tôi vẫn không biết liệu Trung Quốc có mở cửa hoàn toàn hay không, khi chúng tôi thấy có áp lực nguồn cung và cầu ở đây còn dai dẳng do sự gia tăng các ca nhiễm Covid và sự gián đoạn".
Ông cũng cho biết Elon Musk có thể đã đánh mất lòng tin của các cổ đông khi hồi tháng 4, ông nói rằng ông không có kế hoạch bán thêm cổ phiếu Tesla của mình, nhưng thực tế ông ấy đã tiếp tục và bán thêm hàng tỷ đô la cổ phiếu Tesla.