Tháng 11/2022, sự sụp đổ của FTX - một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới - đã gây chấn động khắp cộng đồng đầu tư. Sàn giao dịch này bị cáo buộc nhúng tay vào tài khoản khách hàng để thực hiện các giao dịch rủi ro cho một quỹ đầu tư liên kết là Alameda Research.
Nhận xét về sự cố này, bà Louise Abbott - đối tác tại Văn phòng Luật Keystone Law chuyên về thu hồi tài sản tiền điện tử - cho biết: “Việc làm của FTX là một điều cực kỳ đáng thất vọng đối với các nhà đầu tư, bào mòn niềm tin của họ vào thị trường tiền điện tử".
Còn theo CNBC, nhiều nhà đầu tư đã từ bỏ hi vọng về việc lấy lại được khoản tiền mà mình đã bỏ ra cho sàn giao dịch này. Họ hiện tại chỉ mong rằng thị trường tiền mã hóa sẽ được định hình lại một cách rõ ràng hơn và bắt đầu lại lần nữa.
Xây dựng lại những quy tắc
Trên thực tế, thị trường tiền mã hóa rất phát triển trong vài năm gần đây nhưng lại chưa được nhiều quốc gia công nhận và kiểm soát. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ không nhận được sự bảo vệ khi có sự cố xảy ra.
Chính vì vậy, nhiều người mong rằng vụ việc của FTX sẽ khiến các cơ quan quản lý phải hành động.
Trước mắt, chính phủ các nước châu Âu và Mỹ đang tiến hành các thủ tục pháp lý và cố gắng hỗ trợ nhà đầu tư. Thị trường tài sản tiền mã hóa (MiCA) của Liên minh Châu Âu đã được thông qua và là thị trường có khung pháp lý toàn diện nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, ít nhất là 12 tháng tới thị trường này mới chính thức có hiệu lực.
Theo bà Abbott, sẽ mất khá nhiều thời gian để các cơ quan quản lý tiến hành từng bước hỗ trợ thị trường. "Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu Chính phủ có thể đưa ra được một bộ quy định, thị trường tiền điện tử sẽ lấy lại được lòng tin của các nhà đầu tư", bà cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Evgeny Gaevoy - Giám đốc điều hành của công ty tạo lập thị trường tiền điện tử Wintermute - sự cố của FTX đã khiến việc tiền mã hóa được công nhận là tài sản hợp pháp "đi lùi tới vài năm".
"Đầu tiên là Celsius, sau đó là Three Arrows, và bây giờ là FTX. Mọi thứ về thị trường tiền mã hóa đều thất bại trong năm nay", ông Gaevoy nhận định. Theo ông, bài học lớn nhất từ vụ phá sản của FTX mà các doanh nghiệp cần phải rút ra là "thành lập một bộ phận giám sát độc lập và cân bằng quyền lực giữa các nhà quản lý trong công ty".
Sáp nhập các công ty
Kể từ những "sóng gió" tiền điện tử năm 2018, một loạt công ty và dự án mới đã xuất hiện, FTX cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, một thị trường có ít công ty và ít loại tiền sẽ ít có biến động hơn.
Nguyên nhân là trong một thị trường không tập trung, chỉ cần 1 doanh nghiệp lớn sụp đổ là sẽ kéo theo hàng loạt doanh nghiệp khác. Từ BlockFi đến FTX đều đã phá sản, và giờ đây sự chú ý đang chuyển sang Gemini và Genesis.
Peter Smith - Giám đốc điều hành của Blockchain.com - cho biết: “Sự sụp đổ của FTX và Alameda đang thách thức toàn bộ thị trường, vì đây là 2 công ty rất lớn trong lĩnh vực này".
Sẽ không còn nhiều công ty có thể trụ lại thị trường trong thời gian tới. Ảnh: CNBC.
Nỗi sợ hãi cũng đang bao phủ khắp nơi, khi từ đầu năm 2020 đến nay, có khoảng 900.000 Bitcoin đã bị rút ra khỏi các sàn giao dịch - theo dữ liệu từ CryptoQuant. Trong khi đó, Binance - sàn giao dịch lớn nhất thế giới - thì phải đối mặt với các câu hỏi về cách họ giữ tiền của khách hàng. Công ty này đã chứng kiến hàng tỷ USD bị rút ra trong tuần qua và đang phải đổi mặt với bối cảnh thị trường ảm đạm khó hồi phục.
Theo bà Abbott, sẽ chỉ có những sàn giao dịch hoạt động đúng cách còn tồn tại. "Họ cần phải nghiêm túc thực hiện những quyết định quản trị công ty nếu muốn đi tiếp", bà cho hay.
Còn đối với Bitcoin - đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới - ông Gaevoy cho rằng đồng tiền này sẽ tách rời khỏi thị trường hiện tại và tạo lập một thị trường riêng của mình.
Đổi mới công nghệ
Tuy tình trạng suy thoái sẽ bao trùm thị trường tiền điện tử trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư vẫn hi vọng ngành công nghiệp này có thể vượt qua.
Nhiều người đang ủng hộ "Web3" - một thuật ngữ mô tả Internet của tương lai, nơi người dùng trải nghiệm việc kết nối dữ liệu phi tập trung một cách nhanh hơn và cá nhân hóa hơn - với hi vọng trào lưu này sẽ mở đường cho nhiều cách sử dụng khác của tiền điện tử thay vì chỉ đầu cơ như hiện nay.
Web3 là hy vọng của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: CoinDesk.
Ông Ian Rogers - Giám đốc Công ty ví điện tử Ledger - cho biết: "Tài sản kỹ thuật số sẽ dần trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta, chắc chắn là như vậy". Theo ông, nó có thể ở bất cứ định dạng nào, ví dụ như đồ sưu tầm, vé hay tài sản giá trị để trao đổi.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sẽ còn một chặng đường dài cần vượt qua nếu muốn tiến tới kỷ nguyên tài sản kỹ thuật số. "Rất khó để tạo lập, lưu trữ, khóa và chuyển đổi dữ liệu qua các nền tảng khác nhau, dù có làm được điều này thì trải nghiệm hiện tại cho người dùng cũng rất chậm. Nhưng theo thời gian, các công ty sẽ dần thay đổi và mang đến những giao diện mượt mà hơn", ông cho hay.