Ninh Thuận ứng phó với mưa lũ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận, do mưa lớn kéo dài cùng thời điểm nước từ thượng nguồn đổ về nên mực nước trên các sông tại Ninh Thuận dâng cao, cụ thể: Sông Lu, tại trạm Phước Hà là 62,24m, trên mức báo động 1 là 0,24m; tại trạm Phước Hữu là 10,54m ở mức dưới báo động 1; sông Cái Phan Rang, tại trạm Tân Mỹ và Phan Rang mực nước dao động dưới mức báo động 1.
Ninh Thuận ứng phó với mưa lũ
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường giao thông tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận bị ngập cục bộ.

Các sông, suối tiếp tục duy trì tình trạng lũ, cụ thể: Trên Sông Lu, tại trạm Phước Hà và Phước Hữu dao động ở mức báo động 1 đến 2. Sông Cái, tại trạm Tân Mỹ và Phan Rang dao động ở mức xấp xỉ báo động 1. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi thuộc các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Hải, Thuận Nam; mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa; ngập lụt vùng hạ lưu, ven sông, khu đô thị.

Trên các tuyến đường 21 Tháng 8, 16 Tháng 4 tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cùng nhiều đoạn đường thu‌ộc đị‌a bàn thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải… nhiều đoạn ngập úng từ 0,2 đến 0,5m; một số đoạn của tuyến đường ven biển từ xã Phước Dinh đến xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, bị sạt lở nhiều, đất, đá từ trên núi đổ xuống chắn cả mặt đường, gây mất an toàn cho người dân lưu thông.

Để chủ động ứng phó diễn biến phức tạp của mưa lũ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đã khẩn cấp thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu về kế hoạch xả lũ để các địa phương và người dân chủ động phòng, tránh, di dời đến nơi an toàn. Đơn vị phối hợp với các địa phương kiểm tra, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu,… chủ động triển khai các giải pháp ứng phó mưa lũ, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.

Hiện, các hồ Sông Cái, Tân Giang… trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang mở 2 van xả lũ, điều tiết nước về hạ du để bảo đảm an toàn hồ chứa.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết, theo chỉ đạo khẩn cấp của UBND tỉnh, ngành khẩn trương triển khai các biện pháp, phương án bảo vệ đê điều, nhất là tuyến đê, kè đang tập trung thi công; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, vùng dễ bị chia cắt, sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn; chủ động kiểm tra các điều kiện bảo đảm trong trường hợp mưa lũ tiếp tục kéo dài. Tập trung triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi, nhất là chủ động thu hoạch lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch, sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Đến sáng 22/11, tổng lượng nước tại 22 hồ chứa do trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 342,3/414,29 triệu m3 tổng dung tích thiết kế (bằng 82,6%). Hiện 13/22 hồ có lượng nước vượt dung tích thiết kế; 9 hồ nước qua tràn tự do; 9 hồ phải mở từ 1 - 3 cửa để xả lũ bảo đảm cân đối lưu lượng xả, tránh ngập úng, thiệt hại cho vùng hạ du và các công trình đang thi công.

Các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận ra quân khắc phục sự cố một số đoạn đường trên tuyến đường giao thông ven biển với chiều dài hơn 100km bị ùn tắc để giao thông thông suốt.

Đến trưa 22/11, lượng mưa tại một số vùng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có giảm. Sở Giao thông Vận tải tập trung nguồn lực khắc phục sự cố, khơi thông nhiều tuyến đường ngập úng cục bộ tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, Ninh Phước… giúp người dân có thể lưu thông trở lại. Toàn tỉnh đã sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó hiệu quả các sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt và kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận, trong 24 giờ tới (đến đêm 23/11), do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua phía nam của vùng Nam Bộ kết hợp ảnh hưởng gió đông trên cao nên khu vực tỉnh Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to và dông, dự báo tác động của mưa lớn sẽ gây ra lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng miền núi thuộc các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc; ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp thuộc thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật