Gần 15 năm trồng cao su, ông Nguyễn Minh Trung (thôn Phú Nha, xã Quế Lưu) chưa bao giờ cảm thấy chua xót như lúc này. Gần 1.500 cây cao su hơn 10 năm tuổi đang trong kỳ cho mủ của ông đã có 500 cây gãy đổ, bật gốc, không thể thu hoạch được. Dọn vườn cao su ngã đổ để làm củi, cũng chưa có ý định trồng lại là tâm lý không riêng ông Trung mà của hàng trăm người trồng cao su ở Quế Lưu.
“Gia đình dự định khai thác mủ cao su, có thêm tiền để trang trải học phí cho con trai lớn mới nhập học Đại học Đà Nẵng, chừ thì trắng tay thật rồi. Cứ 2 - 3 năm lại làm một cơn bão, rồi lũ tàn phá cao su như thế này, người nông dân không biết lấy gì để lo cuộc sống” - ông Trung nói.
Theo ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Lưu, toàn xã có hơn 300ha cây cao su tiểu điền. Trong năm 2022, hơn 100 hộ gia đình có vườn cao su đang trong thời kỳ khai thác, cạo mủ để bán cho nông trường. Cơm áo, gạo tiền, sinh hoạt, học tập của con em họ đều trông chờ vào mủ cao su.
Thế nhưng, sau bão số 4, rồi mưa lớn dài ngày, địa phương có đến gần 20ha cây cao su ngã đổ, bật gốc, không thể cho mủ. Đây là vấn đề nan giải của Quế Lưu, bởi tỷ lệ hộ thoát nghèo đều trông chờ vào cây cao su. Xã cũng đã kiến nghị với huyện có hướng hỗ trợ cho người dân sớm ổn định sản xuất và có thể chuyển đổi dần diện tích trồng cao su sang các loại cây khác.
Cây cao su bị ngã đổ, người dân đốn về làm củi. Ảnh: Tấn Sỹ
Hiệp Đức từng được xem là thủ phủ trồng cây cao su của Quảng Nam. Có những thời điểm, khi nhắc đến sản lượng mủ, hay đời sống của người nông dân thay đổi từ cây cao su, người ta nghĩ ngay đến Hiệp Đức.
Trải qua nhiều biến động về giá, cây cao su vẫn được xem là cây giảm nghèo cho người dân các xã Quế Lưu, Sông Trà, Phước Gia, Phước Trà. Song, điều kiện thời tiết ở miền núi cứ theo chu kỳ 3 năm lại xảy ra bão lũ, gió lốc, dẫn đến hàng trăm héc ta cao su ngã đổ. Kéo theo đó là đời sống người dân trồng cao su, người nhận khoán chăm sóc khai thác mủ cao su lại rơi vào cảnh tái nghèo.
Trước cái vòng luẩn quẩn đó, chính quyền huyện Hiệp Đức tính phương án chuyển đổi dần cơ cấu cây trồng cho phù hợp với tình hình thời tiết.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết: “Trước mắt huyện giao các xã nắm số liệu thiệt hại cây cao su của người dân, đề xuất hướng hỗ trợ ban đầu đề nghị UBND tỉnh xem xét. Về lâu dài huyện định hướng chuyển diện tích trồng cao su ngã đổ sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp như măng cụt, bưởi da xanh, chanh không hạt...