Sáu dự án giao thông trọng điểm được “rót” thêm gần 87.500 tỷ đồng từ chương trình phục hồi

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ Giao thông vận tải vừa thông báo danh mục, mức vốn ngân sách trung ương từ chương trình phục hồi bố trí cho 6 dự án giao thông trọng điểm và chương trình nâng cao năng lực đào tạo nghề điều khiển tàu biển, nghề logistics...
Sáu dự án giao thông trọng điểm được “rót” thêm gần 87.500 tỷ đồng từ chương trình phục hồi
6 dự án giao thông trọng điểm được rót vốn từ chương trình phục hồi gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, cầu Đại Ngãi,cao tốc Cao Lãnh - An Hữu...

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố: Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang; Các Ban Quản lý dự án: Đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, Mỹ Thuận, 2, 6, 7, 85; Trường Cao đẳng Hàng hải I, để thông báo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Văn bản này nhằm thực hiện Quyết định 1113 ngày 21/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định 17 ngày 28/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân cấp thực hiện các dự án, dự án  thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc chương trình phục hồi.

Theo đó, sẽ bố trí 87.500 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho ngành giao thông vận tải.

Cụ thể, 87.430 tỷ đồng được bố trí cho 6 dự án giao thông trọng điểm.

Bao gồm dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí cao nhất, lên tới 72.476 tỷ đồng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (2.320 tỷ đồng), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (3.500 tỷ đồng), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (3.800 tỷ đồng) và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (1.204 tỷ đồng). 

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thu‌ộc đị‌a phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng cũng được bố trí 4.130 tỷ đồng.

Vốn từ chương trình phục hồi được thúc đẩy giải ngân trong 2 năm 2022 và 2023 nhằm góp phần phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng nền kinh tế; trong đó, tập trung đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc để tạo đà phát triển kinh tế xã hội các vùng kinh tế như vùng Thủ đô, vùng Đông Nam Bộ, đồng Bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc.

Trong đó, toàn bộ các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729 km đang được gấp rút đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu thi công để đồng loạt khởi công ngay trong năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc-Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài là 2.063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Các tuyến cao tốc khác như Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Biên Hòa-Vũng Tàu, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dự kiến khởi công tháng 6/2023...

Các dự án này khi hoàn thành sẽ giúp đạt được mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc đến năm 2025 và 5.000 km đến năm 2030 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.

Còn lại 70 tỷ đồng sẽ được bố trí cho chương trình nâng cao năng lực đào tạo nghề điều khiển tàu biển và nghề logistics của Trường Cao đẳng Hàng hải I.

Trên cơ sở bố trí nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để thực hiện kế hoạch được giao.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật