Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét 3 nhóm vấn đề lớn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cử tri và nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản quan trọng; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét 3 nhóm vấn đề lớn
Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 10/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 16. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH  xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

3 nhóm vấn đề lớn sẽ được xem xét

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là phiên họp cuối của UBTVQH để chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 3 ngày làm việc, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định một số vấn đề gồm: xem xét, cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2022; dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, trong đó có nội dung phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Nhóm vấn đề thứ hai, UBTVQH sẽ tham gia cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.  Nhóm vấn đề thứ ba là một số nội dung Chính phủ đề xuất bổ sung phát sinh từ phiên họp UBTVQH thường kỳ của tháng 9/2022 đến nay. Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình UBTVQH cho ý kiến về bộ nhận diện của Quốc hội mới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào kết quả phiên họp lần này, UBTVQH sẽ xem xét cho ý kiến về lần cuối đối với nội dung chương trình của Kỳ họp thứ 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Cử tri đề nghị ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân

Tại phiên họp, đồng chí Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cử tri đánh giá cao các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo nhất quán, thực hiện quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Đặc biệt, ngay trước kỳ họp Quốc hội lần này, Trung ương đã họp Hội nghị lần thứ sáu để thảo luận, ra nghị quyết về những nội dung lớn, rất cơ bản và quan trọng, liên quan đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đến các vấn đề quốc kế, dân sinh lâu dài, có tính chiến lược vĩ mô…

Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu báo cáo tại phiên họp. 

Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết.

Góp ý kiến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung nội dung: kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Đảng, Nhà nước, các cơ quan, các ngành, các cấp chủ động có giải pháp ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay do tác động của bối cảnh thế giới, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng và bao trùm, cần được trình bày trước các kiến nghị khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cần làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc vì tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống; làm rõ những vấn đề nổi lên được cử tri và nhân dân quan tâm như tội phạm lừa đảo và đánh bạc trên không gian mạng; các vụ cháy nghiêm trọng tại các quán karaoke; tình hình trật tự an toàn giao thông, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, đầu vào sản xuất của người nông dân rất bấp bênh, giá cả tăng cao, đầu ra sản xuất còn phụ thuộc vào thương lái, giá cả thị trường khiến cho đời sống của người nông dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ngoài ra còn vấn đề thiếu thuốc trong bảo hiểm y tế của người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm hơn về những vấn đề này. 

Góp ý về chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức tại xã đảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần rà soát, bổ sung thêm các văn bản Pháp Luật vào báo cáo để đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý với các xã đảo trên cả nước. Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, cụ thể về chính sách  đầu tư, chế độ bảo hiểm y tế…, các chính sách cụ thể khác đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức tại xã đảo, để giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân ở các vùng này.

Bộ Công thương trả lời về khu dân cư tại các dự án điện gió

Giải trình về Thông tư 04 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND các tỉnh, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, thông tư này mới ban hành tháng 1/2022. Bộ Công thương cũng nhận được phản ánh của cử tri cũng như Sở Công thương các tỉnh, Bộ tiếp thu và dự kiến sẽ sớm sửa đổi thông tư này phù hợp với quy định của Pháp Luật. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh giải trình tại phiên họp

Về khu dân cư tại các dự án điện gió, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết Thông tư 02/2019 của Bộ Công thương đã quy định vấn đề này và đang áp dụng được 3 năm. Các công trình điện gió đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng chỉ có tỉnh Bến Tre phản ánh vướng mắc này. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, khi thiết kế Thông tư 02/2019, Bộ Công thương đã quy định công trình điện gió phải cách xa khu dân cư ít nhất là 300m, đây cũng là một bước cụ thể hóa các quy định trong Luật Xây dựng cũng như Luật Đất đai để bảo đảm các công trình điện gió không gây ảnh hưởng quá to lớn đến khu dân cư. Hiện nay, UBND tỉnh Bến Tre đã đề nghị làm rõ khái niệm khu dân cư, tuy nhiên Bộ Công thương không thể hướng dẫn thế nào là khu dân cư theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có quyền quyết định những vấn đề kinh tế quan trọng ở địa phương, HĐND các tỉnh, thành phố nên là cơ quan quyết định như thế nào là khu dân cư, trên cơ sở đó các công trình điện gió sẽ tuân thủ các quy định này của Bộ Công thương, đồng thời cũng nêu cách xử lý khác đó là Bộ Công thương sẽ xóa bỏ quy định này trong thông tư và áp dụng theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Đất đai hiện hành…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật