Trước đó, tờ báo Mỹ WSJ (The Wall Street Journal) có bài xã luận viết rằng, nền kinh tế Mỹ đang hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, do giá khí đốt cực cao và lệnh trừng phạt khí đốt Nga đang buộc các công ty châu Âu chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ.
Tờ báo khác của Mỹ là The Washington Post cũng dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng khẳng định, ảnh hưởng từ nguy cơ Liên minh châu Âu suy thoái sẽ rất khiêm tốn và có thể “mang lại nhiều điều tốt lành” cho Mỹ, giúp Washington có thể khống chế lạm phát, tránh suy thoái và cứu hàng triệu việc làm.
Tiến sĩ Mamdouh G Salameh, một nhà kinh tế và chuyên gia năng lượng toàn cầu, nhận định rằng, nền kinh tế Liên minh châu Âu suy thoái trầm trọng do giá năng lượng tăng, sức mua giảm cũng như chi phí tài chính khổng lồ của việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Tiến sỹ Gal Luft, Giám đốc viện Phân tích An ninh Toàn cầu và cố vấn cao cấp của Hội đồng An ninh năng lượng Mỹ, cho rằng, Washington đang lợi dụng cuộc khủng hoảng năng lượng và sẵn sàng hy sinh an ninh của EU.
Còn ông Dean Baker, nhà đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng Mỹ thậm chí còn có thể hưởng lợi từ việc châu Âu suy thoái, khi có cơ hội hội độc chiếm thị trường EU, bằng những chuyến tàu chở khí hóa lỏng (LNG) giá cao vượt qua Đại Tây Dương.
Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, Mỹ đã thuyết phục châu Âu tham gia vào các lệnh cấm vận năng lượng với Moscow, nhằm thế chỗ Nga để độc chiếm thị trường EU. Chính động thái của Mỹ đã đẩy giá dầu và khí đốt lên cao, khiến EU chịu đòn từ chính các lệnh trừng phạt của họ.
Cựu Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Sergei Ordzhonikidze khẳng định, Mỹ lại một lần nữa trở thành nước hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ở châu Âu, trong khi Brussels và Moscow thiệt hại nặng nề, còn Ukraine thì hầu như bị tàn phá hoàn toàn về cơ sở hạ tầng.
Theo ông Ordzhonikidze, rõ ràng là tất cả sự gia tăng căng thẳng xung quanh Ukraine đã được lên kế hoạch từ trước nhằm làm suy yếu cả Nga và châu Âu càng nhiều càng tốt.
Nếu Mỹ muốn làm suy yếu Nga về mặt chính trị và quân sự, thì Washington muốn làm suy yếu châu Âu, với tư cách là đối thủ cạnh tranh của mình, càng nhiều càng tốt về kinh tế. Thủ phạm cuộc xung đột Nga-Ukraine và khủng hoảng kinh tế châu Âu hiện nay chính là Mỹ.
Do đó, Washington đã ép Kiev không được đàm phán, hô hào đồng minh cung cấp vũ khí (cũ) cho Ukraine để Kiev không giành được chiến thắng mà cũng không được thua quá nhanh. Mục đích của Nhà Trắng là kéo dài cuộc xung đột ngày lâu dài càng tốt.
Như vâyj, Washington đang tìm cách sử dụng con bài Ukraine, biến Kiev thành tiền đồn chống Nga để làm Moscow suy yếu nặng nề, đồng thời khiến cuộc khủng hoảng an ninh châu Âu ngày càng thêm trầm trọng và đương nhiên là làm suy yếu EU, đối thủ cạnh tranh kinh tế của mình.