Tỉnh Bến Tre đang tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh theo hướng xây dựng dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ và hướng đến phục vụ xuất khẩu.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với ứng dụng công nghệ cao và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, với quy mô 20.000 - 22.000 ha dừa; 1.500 - 2.200 ha cây ăn quả; 300 - 500 ha nhóm sản phẩm cây giống, hoa kiểng và 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao, gắn với tổ chức lại dân lại dân cư nông thôn; trong đó, có 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương.
Giai đoạn này, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm, chiếm tỷ trọng 17,33% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%, đạt khoảng 1 tỷ USD…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của quốc gia và của tỉnh gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nhằm tạo lòng tin của sản phẩm trên thị trường.
Người dân hái dừa tại Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN
Tỉnh điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng tiểu vùng; chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn.
Cụ thể, đối với cây dừa, Bến Tre xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô 20.000- 22.000 ha, tập trung trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri.
Tỉnh phát triển thêm ít nhất 13 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm dừa, nâng tổng số hợp tác xã chuỗi dừa đến năm 2025 là 37 hợp tác xã; trong đó, có 1 hợp tác xã trong chuỗi đạt doanh thu 100 tỷ đồng, 15 hợp tác xã đạt doanh thu là 10 tỷ đồng. Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp đầu ra, các doanh nghiệp đầu vào và các tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất của chuỗi giá trị dừa.
Đối với cây ăn trái, địa phương phát triển các sản phẩm chủ lực như bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn và măng cụt ở một số huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre. Đến năm 2025, phát triển thêm ít nhất 5 hợp tác xã tham gia chuỗi cây ăn trái, xây dựng được vùng sản xuất tập trung đạt diện tích 1.500 - 2.200 ha.
Riêng cây giống - hoa kiểng, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, phát triển thêm 10 hợp tác xã, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cây giống- hoa kiểng với diện tích 300 - 500 ha. Đảm bảo trên 80% giống cây trồng lưu thông trên thị trường đạt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; 70% cây giống có nguồn gốc từ vườn cây đầu dòng được công nhận; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới; về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tỉnh Bến Tre tiếp tục đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt.
Đặc biệt, địa phương chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, góp phần ổn định sản xuất và tăng thu nhập người dân nông thôn. Tỉnh đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức liên kết giữa nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản