Sự tích cây cọ có gai

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày xửa ngày xưa, không ai biết rõ từ đời nảo đời nào, chỉ biết rằng đã từ rất lâu rồi, từ thuở Giàng mới tái tạo ra muôn loài, khi ấy muôn loài trên mặt đất đều biết nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ chung. Lúc ấy, cả bảy loài kết bạn với nhau thân lắm: ấy là “Tào mèo” (beo), “Tào chiếp” (gấu), “Tào gọi” (chồn hôi), hươu, nai và người.
Sự tích cây cọ có gai
Ảnh minh họa

Tuy gọi là thân nhau nhưng ai cũng tự cho mình là hơn cả, chẳng ai chịu phục tài ai. Lúc nào sáu con vật kia cũng nghĩ cách để khoe tài, để bắt sau “người bạn” phải phục tùng, sợ sệt. Một hôm, Tào mào thấy mình đầy sức mạnh, chắc chắn là phải hơn hẳn các bạn. Vì thế, nó hung hăng bảo với sáu bạn:

– Xưa nay ai cũng biết tôi là chúa tể cả một vùng rừng núi. Các anh đã nghe tôi gầm bao giờ chưa? Nhất định các anh phải hoảng sợ lắm.

Sau bạn kia thấy thế đều đáp:

– Sợ gì anh? Chỉ được cái bộ gầm gừ thế thôi chứ làm được việc gì? Chúng tôi không sợ!

Tào mào nghe thế tức lắm bèn nhảy tót vào rừng gầm lên một tiếng thật to. Gào xong, nó vênh mặt trở ra hỏi:

– Đã thấy chưa? Tôi gầm lên một tiếng mà nghe cây rừng vặn mình răng rắc. Các anh thấy có ghê không?

Nhưng sáu bạn kia vẫn chỉ thản nhiên lắc đầu, chẳng tỏ vẻ hoảng sợ gì cả.

Tào chiếp lê chân nặng nề ra đứng trước các bạn:

– Đấy là Tào mào mới xoàng thế thôi, chứ còn tiếng kêu của tôi thì hùng dũng lắm. Tôi thì các anh biết cả rồi đấy, cứ nói đến gấu là ai cũng phải kính nể. Cây cỏ cứng thế nào tôi cũng cắn đứt. Cây cao bao nhiêu tôi cũng trèo được. Ong thấy tôi phá tổ ăn mật, dù có kéo nhau hàng ngàn, hàng vạn con đốt tôi, tôi cũng không sợ. Các anh có sợ tôi không?

Cả bọn liền đáp, vẻ coi thường:

– Tiếng kêu của Tào mào muôn cây phải sợ rụng cả lá còn chẳng làm ai trong bọn tôi sợ hãi, thì tiếng kêu của anh đọ làm sao nổi.

– Được, rồi các anh sẽ thấy.

Tào chiếp nghĩ bụng thế, rồi cũng hăm hở chạy vào rừng. Từ trong đám cây vọng ra tiếng “lục khục, lục khục” rất to, nhưng đến lúc nó chạy ra hỏi thì các bạn kia vẻ mặt vẫn không có gì là sợ hãi. Tào chiếp lè lưỡi, cào trên mặt đất, vừa ngượng vừa buồn.

Tào gọi thấy hai bạn đều không làm được gì, nhưng vốn tính nó láu táu nên nhảy ngay ra.

– Tôi tuy bé hơn, nhưng tiếng kêu thì nghe the thé chói cả tai. Các anh cứ đợi đấy. Nghe xong chắc hẳn các anh sẽ hồn bay kinh vía bạt.

Cả bọn cùng cười rộ lên:

– Cậu bé loắt cha loắt choắt, bé hơn cả Tào mào, Tào chiếp. Xưa nay chả ai coi cậu vào đâu, kêu làm gì cho phí hơi, mệt sức!

Tào gọi luồn tọt vào bụi rậm kêu “ét, ét!”, rồi vội ló ngay ra hỏi:

– Sợ chưa? Sợ chưa?

Nhưng cả bọn kia lại càng cười to hơn. Tào gọi đành ngồi thè lưỡi, liếm bàn chân cho đỡ ngượng.

Nai bước lại gần các bạn, dõng dạc nói:

– Tôi cao, có sừng, lại chạy nhanh như gió. Các anh có sợ tôi không?

Cả bọn nói:

– Không sợ!

Nai phóng xuống chân núi kêu “ắc ắc!” mấy tiếng, rồi hỏi các bạn. Cả bọn đáp:

– Không sợ! Anh kêu vui tai lắm. Kêu nữa đi.

Hươu ngoe nguẩy cái đuôi cụt, lún cún đến trước mặt các bạn, nói:

– Tôi nhẹ người, nhẹ thân, nhanh nhẹn như con sóc. Tôi nhảy một bước xa sáu bảy sải, các anh có sợ không?

Cả bọn cười khẩy:

– Chúng tôi to lớn thế này còn chẳng ai sợ, cậu bé loắt choắt thế kia, ai mà thèm sợ chứ!

Hươu xuống núi kêu mấy tiếng “óng, óng!”, rồi chạy lên hỏi các bạn. Cả bọn nói:

– Cậu hát hay quá, hát nữa đi!

Đến lượt người hỏi:

– Các anh có sợ người không?

Cả bọn đáp:

– Dữ như Tào mào, ác như Tào chiếp, lếu như Tào gọi, chạy nhanh như hươu, như nai còn chẳng ai sợ nữa là! Anh là người, sức lực được bao nhiêu, làm sao mà chúng tôi phải sợ anh kia chứ!

Người không nói gì, đủng đỉnh đi vào rừng cầm đá đánh quẹt, lửa bật sáng như chớp, rồi hỏi vọng ra:

– Các anh nhìn thấy chưa? Đã thấy người tài chưa?

Cả bọn nói to:

– Cái ấy khi trời mưa thấy luôn, có gì lạ?

Người lại lấy đá nhóm lửa, châm vào đám lá khô. Ngọn lửa bùng lên, cháy loang khắp mọi chỗ. Khu rừng sáng rực lửa và tiếng cành cây khô nổ lốp đốp làm cả bọn sợ hãi, quay đầu chạy mỗi con một phía.

Tào mào nhanh chân vượt qua đống lửa chạy thoát, mình chỉ bị bén tí lửa nên từ đấy mình có vằn đen. Chú Tào chiếp mình nặng nề, chập chạp nên khi chui được ra khỏi khu rừng thì khắp người đã cháy đen sì. Vì thế chú ta cứ đen như vậy cho đến tận ngày nay. Hươu, nai chạy thoát được vòng lửa, nhưng cả người cũng bị ám khói nên vàng cả lông đến tận bây giờ.

Tào chiếp chân thấp, chạy thục mạng nhưng quay đầu về phía nào cũng chỉ thấy lửa đỏ. Lẽ ra chú ta bị chết thiêu rồi đấy. Nhưng Tào chiếp ta gặp may, đang chạy thì chú gặp gốc cọ. Cọ lên tiếng trước:

– Chạy đi đâu mà vội vàng thế kia?

– Lửa đuổi đến nơi rồi kia kìa! – Tào chiếp run sợ hỏi – Anh không thấy hay sao? Lửa sẽ đến đây và đốt cháy cả anh đấy, anh cọ ạ!

Cọ bình thản đáp:

– Tôi mặc nhiều áo lắm. Có cháy cũng không chết được tôi đâu. Anh có sợ thì núp vào tàu lá của tôi, tôi nép mình che cho anh khỏi chết cháy.

Tào chiếp vội chui vào giữa tàu cọ để tránh lửa. Lúc ngọn lửa đã đi qua, Tào chiếp mới biết mình thoát chết, nhưng tàu lá cọ thì héo quắt lại. Nhìn thấy vậy, Tào chiếp thấy mình may mắn và rất biết ơn cây cọ tốt bụng, liền bảo:

– Anh Cọ ơi, anh tử tế quá. Thấy tôi gặp nạn anh có bụng cứu tôi thoát chết, còn anh thì cháy sém cả thế kia. Tôi xin đền anh thứ này.

Nói xong, Tào chiếp liền bẻ một cái răng cắm vào cuống tàu cọ, rồi bảo:

– Vì tôi mà anh bị yếu người đi, tôi xin biếu anh cái răng sắc nhọn của tôi để nó đứng bên mình anh cho khỏi bị kẻ khác xô vào bắt nạt, anh lại chẳng thể đi đâu được, có cái răng nhọn bên mình cho thêm cứng cáp.

Từ đấy cây cọ mới mọc lên đầy gai dài, xếp xòe ra như cái ô dù, che mưa che nắng. Muôn loài rất sợ những cái gai sắc nhọn, không dám bén mảng gần, vì thế, loài cọ cứ tha hồ mọc lan rông ra hết đồi này đến đồi khác.

Nhưng con người không như các loài khác, không lẩn tránh những đồi cọ, mà người lấy luôn những tàu lá ấy về làm vật che nắng, che mưa ngay trên nóc nhà mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật