Nằm ở thành phố Energodar (miền Nam Ukraine), Zaporozhye là nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nhà máy đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ khi Mátxcơva khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng phải hứng chịu một loạt các vụ tấn công trong những tuần gần đây.
Quân đội Nga cáo buộc Ukraine tấn công cơ sở này bằng pháo và máy bay không người lái, đồng thời gọi hành động này là “khủng bố hạt nhân”. Trong khi Kiev và các đồng minh phương Tây khẳng định các vụ tấn công được thực hiện bởi quân đội Nga nhằm đổ lỗi cho Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 16/8, cựu thanh tra viên Vladimir Kuznetsov cảnh báo rằng nếu nhà máy Zaporozhye bị trúng hỏa lực, rất có thể nhiều thùng chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sẽ bị ảnh hưởng.
Kịch bản này có thể khiến phóng xạ “thoát ra môi trường, gây ô nhiễm không chỉ khu vực nhà máy mà còn cả sông Dnepr ở gần đó”, ông Kuznetsov lưu ý.
Vị trí nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Ảnh: Guardian
Chuyên gia cũng chỉ ra rằng một cuộc pháo kích có thể dẫn tới hỏa hoạn, “khi ấy chỉ có Chúa mới biết gió sẽ đưa khói từ nhà máy đi đến đâu”.
Ông Kuznetsov ước tính rằng nếu 20 đến 30 thùng chứa bị ảnh hưởng trong các vụ tấn công, “bức xạ sẽ ảnh hưởng đến khoảng 9 quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Slovakia, CH Séc, Ba Lan, các nước Baltic và Tây Ukraine”.
Liên Hợp Quốc gọi việc tấn công nhà máy Zaporozhye là hành động “tּự sáּt”, và đề xuất cử một phái đoàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến khu vực này để “hỗ trợ kỹ thuật”, tránh leo thang căng thẳng.
Trong những tuần gần đây, quân đội Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine cố tình nhắm vào cơ sở này và cảnh báo rằng một thảm họa hạt nhân lớn, tương tự như thảm họa ở Chernobyl năm 1986, hoặc thậm chí tệ hơn, có thể xảy ra nếu các cuộc tấn công như vậy tiếp diễn.
Ngày 16/8, một quan chức tỉnh Zaporozhye nói với truyền thông Nga rằng các lực lượng Ukraine đã phóng nhiều quả rocket nhằm vào hệ thống làm mát và chứa chất thải hạt nhân bên trong nhà máy.
Vị quan chức này giải thích rằng khu vực lưu trữ nằm ngoài trời, nên bất kỳ vụ tấn công nào cũng có thể dẫn đến việc thải các chất thải hạt nhân có khối lượng từ hàng chục đến hàng trăm kilogram, làm ô nhiễm khu vực xung quanh.
“Nói một cách dễ hiểu thì nó sẽ giống như một quả bom bẩn”, ông Rogov nhận định.