Philippines giám sát chặt tình hình lạm phát

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính phủ Philippines đang giám sát chặt chẽ tình hình lạm phát trong bối cảnh mức lạm phát lên cao kỷ lục trong vòng 3 năm qua.
Philippines giám sát chặt tình hình lạm phát
Một khu chợ ở Philippines. (Ảnh: myphilippinelife.com)

Cơ quan Thống kê Philippines cho biết, lạm phát tại Philippines trong tháng 6 vừa qua là 6,1%, cao hơn so với mức lạm phát 5,4 % của tháng 5/2022 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lạm phát cao nhất trong vòng 3 năm qua và cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% - 4% của Ngân hàng Trung ương Philippines.

Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos ngày 5/7 cho biết, phần lớn lạm phát của Philippines là nhập khẩu lạm phát do giá mua hàng từ nước ngoài tăng. Theo ông Marcos, Philippines phải theo dõi sát tình hình lạm phát vì chính sách tiền tệ hiện tại của nước này cơ bản là sử dụng lãi suất để giữ, kiểm soát tỷ lệ lạm phát. Chính phủ Philippines hiện chưa xem xét điều chỉnh tỷ giá hối đoái cụ thể.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines, ông Felipe Medalla cho biết, ngân hàng này có thể nâng lãi suất trong tháng 8/2022 để kiềm chế lạm phát và hỗ trợ đồng peso. Dự kiến lãi suất cơ bản sau điều chỉnh sẽ là 2,75% so với mức 2,25% hiện tại.

Philippines đang là 1 trong những quốc gia có mức tăng lạm phát nhanh nhất Đông Nam Á. Những tháng qua, giá năng lượng tăng cao đã kéo theo giá lương thực tăng “phi mã”, đẩy Philippines đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực.

Tổng thống Marcos cho biết, chính phủ Philippines sẽ đặt nông nghiệp là ưu tiên cao nhất vì một nền kinh tế mạnh chỉ có thể được xây dựng từ nền tảng của một ngành nông nghiệp vững mạnh, đảm bảo cung cấp lương thực trong các trường hợp khẩn cấp.

Chính phủ Philippines có kế hoạch thúc đẩy sản xuất các mặt hàng chủ lực như ngô và gạo trong 2 quý tới. Đây được coi là biện pháp tăng cường cung ứng lương thực chiến lược, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó “hạ nhiệt” giá thực phẩm trong nước     

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật