Ngọt thơm bánh khẩu sli xã An Sơn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khẩu sli là món ăn truyền thống trong dịp lễ, tết cổ truyền của người Tày, Nùng ở Xứ Lạng. Tại xã An Sơn, huyện văn Quan, những năm gần đây, có nhiều gia đình phát triển nghề làm bánh Khẩu sli theo hướng hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán, góp phần tăng thêm thu nhập.
Ngọt thơm bánh khẩu sli xã An Sơn
Người dân xã An Sơn thực hiện công đoạn cắt bánh khẩu sli

Gia đình chị Hà Thị Điềm, thôn Tân Tiến, xã An Sơn, hộ làm bánh Khẩu Sli lâu năm ở xã và cũng là gia đình cung cấp khẩu sli nhiều nhất cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, gia đình chị sản xuất từ 4 đến 5 tấn bánh khẩu sli thành phẩm (khoảng 25 nghìn gói) với giá bán 17.000 đồng/gói, gia đình chị có thu nhập trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Chị Điềm cho biết: Gia đình tôi làm bánh khẩu sli từ lâu đời, tuy nhiên trước đây, chỉ làm vào dịp tết để phục vụ gia đình. Từ năm 2015 trở lại đây, nhận thấy nhu cầu của khách hàng về món ăn này ngày càng nhiều, tôi đã tăng sản lượng lên. Hiện nay, sản phẩm của gia đình tôi không chỉ tiêu thụ ở các huyện khác trong tỉnh mà còn mở rộng đến một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Cao Bằng, Gia Lai, Đắk Lắk…

Không chỉ gia đình chị Điềm, hiện nay, trên địa bàn xã có 8 hộ làm bánh khẩu sli theo hướng hàng hóa. Theo đó, trung bình mỗi năm, các hộ sản xuất được trên 11 tấn bánh khẩu sli thành phẩm, đem lại giá trị gần 1 tỷ đồng. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, giáp tết nguyên đán, các hộ làm bánh với sản lượng tăng gấp đôi so với ngày bình thường. Hiện nay, bánh khẩu sli  được người dân bán với giá 17 nghìn đồng/gói. Các hộ sản xuất bánh khẩu sli  có thu nhập trung bình từ 80 đến 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Khẩu sli  là một loại bánh đặc sản đã có từ lâu đời và được nhiều người biết đến. Nghề làm khẩu sli  tại xã An Sơn là một nghề truyền thống được truyền từ các thế hệ trước cho thế hệ sau. Bánh được chế biến theo công thức cổ truyền từ các nguyên liệu sẵn có như: gạo nếp, lạc, đường phên và được sản xuất theo phương pháp thủ công gia truyền với nhiều công đoạn khác nhau như: đồ xôi nếp, giã, trộn đường phên… Với người dân nơi đây, khẩu sli  từ bao đời nay đã thật sự trở thành một loại bánh truyền thống để làm quà, mời khách khi đến nhà. Vào ngày tết, cùng với bánh chưng, bánh khảo thì không thể thiếu vài phong bánh khẩu sli  trên bàn thờ gia tiên.

Ông Nông Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã có nhiều hộ phát triển nghề làm bánh khẩu sli , không chỉ phục vụ dịp tết mà các hộ sản xuất quanh năm phục vụ thị trường, góp phần tăng thu nhập. Nhận thấy hiệu quả từ nghề truyền thống này, năm 2019, từ nguồn vốn chương trình 135, UBND xã đã hỗ trợ máy xát cho 8 hộ để làm bánh khẩu sli. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã mong muốn được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.  Xã sẽ tiếp tục vận động các hộ học tập kinh nghiệm lẫn nhau để mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến thành lập hợp tác xã, góp phần tăng thu nhập cho người dân từ nghề truyền thống.

Bánh khẩu sli là một món ăn truyền thống của người Tày, Nùng Xứ Lạng cũng như người dân xã An Sơn. Từ nghề truyền thống này, không chỉ góp phần lưu giữ nghề làm bánh mà còn giúp tạo việc làm, tăng tăng nhập cho người dân. Từ những hiệu quả đó, tháng 9/2021, UBND huyện Văn Quan đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển làng nghề huyện Văn Quan giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có nghề làm bánh khẩu sli  tại xã An Sơn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, để sản phẩm bánh khẩu sli An Sơn ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật