Cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán tháo

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tạm kết thúc phiên sáng 25/1, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đà giảm sâu trên cả 2 sàn HoSE và HNX. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn bị bán tháo, còn nhóm chứng khoán đã cân bằng trở lại sau phiên giảm hàng loạt ngày 24/1.
Cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán tháo
Thanh khoản tụt mạnh, 31 mã cổ phiếu đang giảm sàn.

Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa vừa trong nhóm này ghi nhận giảm điểm 2 - 4% như: DXG; KDH; NLG… trong khi đó VHM và PDR cũng giảm 0,2 - 0,5%. Các mã CEO; NBB; DIG; CII; LDG… giao dịch tiếp tục tiêu cực, có thời điểm giảm sàn kịch biên độ.

Trong bối cảnh cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán tháo, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã quay đầu giảm điểm, trở thành lực cản mạnh khiến chỉ số không bật tăng trở lại được. Bệ đỡ cho thị trường phiên ngày 25/1 trong nhóm ngân hàng chỉ còn cái tên TCB, ngoài ra có một số cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như: NVL, VHM, VRE... Tuy vậy, so với các nhóm ngành khác, cổ phiếu ngân hàng vẫn đang diễn biến tích cực hơn với việc thu hút được dòng tiền. 

Chốt phiên sáng 25/1, sàn HoSE có 106 mã tăng và 323 mã giảm, VN-Index giảm 9,51 điểm (-0,66%), xuống 1.430,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 399,1 triệu đơn vị, giá trị 11.297,6 tỷ đồng, giảm hơn 8% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,4 triệu đơn vị, giá trị 909,1 tỷ đồng.

Còn sàn HNX có 61 mã tăng và 132 mã giảm, HNX-Index giảm 2,1 điểm (-0,52%), xuống 398,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,7 triệu đơn vị, giá trị 1.069,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,91 triệu đơn vị, giá trị 107,5 tỷ đồng.

Không ít mã giảm mạnh như: VKC -8,1% xuống 9.100 đồng/cổ phiếu; ART -6% xuống 9.400 đồng/cổ phiếu; PVL -5,4% xuống 10.600 đồng/cổ phiếu; APS -4,6% xuống 26.700 đồng/cổ phiếu; PVS -2,8% xuống 28.200 đồng/cổ phiếu; DL1 -3,6% xuống 10.800 đồng/cổ phiếu…. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn cũng nhích lên như SHS +1,4%; IDI +0,3%; L14 +3,6% và NVB +5,1% lên 31.000 đồng/cổ phiếu.

Chốt phiên sáng 25/1, UpCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,22%), lên 106,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,84 triệu đơn vị, giá trị 429,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,31 triệu đơn vị, giá trị 88,2 tỷ đồng.

Đại diện Công ty chứng khoán (CTCK) Vietcombank (VCBS) đã dự báo: VN-Index đang chịu nhiều áp lực bán, bắt nguồn từ các thông tin tiêu cực từ thị trường chứng khoán quốc tế. Trước các triển vọng kém khả quan trong ngắn hạn, VCBS cho rằng, chỉ số nhiều khả năng sẽ tìm được lực cầu tiềm năng dồi dào hơn ở vùng hỗ trợ tiếp theo quanh 1.420 điểm. “Trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết nguyên đán đến gần, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư cần tuân thủ kỷ luật đầu tư đã đề ra và thực hiện chốt lời/cắt lỗ nếu vi phạm các mức quy định, trong đó, ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu hơn là tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn thông qua hoạt động bắt đáy trong giai đoạn này”, đại diện VCBS cho biết. 

Còn theo báo cáo phân tích của CTCK MB (MBS), thị trường điều chỉnh sau 3 phiên tăng liên tiếp và là cơ hội để kiểm định vòng bắt đáy đầu tiên đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ. Hơn 400 cổ phiếu giảm điểm và hơn 115 cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn là đủ để cho thấy sự khốc liệt đối với hoạt động bắt đáy vừa qua. Theo MBS, đây lại là cơ hội đối với nhóm bluechips, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Top 5 cổ phiếu có mức tăng tốt phiên này đều là các cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh đó, thanh khoản ở nhóm này vẫn đang trong xu hướng tăng và cao hơn so với bình quân 15 phiên trước đó ở phiên thứ 2 liên tiếp. Dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm bluechips, trong đó có nhóm ngân hàng, khi áp lực giảm từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khả năng còn tiếp diễn hoặc sau vòng bắt đáy không thành công ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật