Văn hóa mừng lúa mới của người Jrai ở Tây Nguyên

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau mùa vụ thu hoạch lúa hàng năm, người đồng bào Jrai ở tỉnh Gia Lai lại tổ chức lễ hội cúng lúa mới để tạ ơn với thần linh, tổ tiên đã cho một năm mưa thuận gió hòa.
Văn hóa mừng lúa mới của người Jrai ở Tây Nguyên
Mâm cúng lúa mới đầy đủ rượu thịt. Ảnh HN

Tờ mờ sáng, già làng Rơ Lan Tôm ở làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông đã thức dậy sửa soạn, đóng khố chỉnh tề chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng nhất trong năm. Thanh niên trong làng cũng chuẩn bị rượu thịt sẵn sàng, phụ nữ làng Ó vui vẻ hơn ngày thường khi mặc những bộ đồ thổ cẩm huyền bí, đậm chất truyền thống.

“Lễ hội thường được tổ chức vào tháng 10, 11, 12 hàng năm, sau khi thu hoạch lúa. Người làng đưa lúa về chất đầy trong kho ở nhà sàn. Mừng lúa mới là cách báo ơn với tổ tiên, thần linh đã cho dân làng được ấm no, sung túc và cũng là ngày hội của buôn làng sau nhiều tháng ngày vất vả, đổ giọt mồ hôi trên nương rẫy”, già làng Rơ Lan Tôm chia sẻ.

Người đồng bào ở Tây Nguyên đánh cồng chiêng để mừng các ngày lễ hội ở buôn làng. Ảnh T.T

Khoảng 8h sáng, khi mặt trời đã lên cao, già trẻ gái trai trong làng đã tề tựu đầy đủ ở quanh nhà rông. Tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên nhịp nhàng trong điệu múa xoang nhẹ nhàng say đắm, già làng bắt đầu đọc lời khấn lễ. Mâm cúng bày sẵn thịt heo, thịt gà và ghè rượu cần, ống cơm lam.

Trong không khí linh thiêng, già làng khấn cầu cho dân làng Ó “có gà đầy sân, ngựa đầy đàn, bò đầy chuồng, gia đình hòa thuận, cơm no, áo ấm, luôn luôn hạnh phúc. Còn với hạt lúa thì được về tận kho, tận chòi, tận nhà”.

Sau lễ cúng, tiếng cồng chiêng đậm đà không gian văn hóa Tây Nguyên thêm một lần nữa vang lên trong những nhịp gõ và những cái nắm tay nhảy múa hồn hậu, chất phác. Người dân quây quần bên nhau cùng uống chung ghè rượu, ăn thịt bày tỏ vui mừng.

Theo các già làng nơi đây, lễ hội mừng lúa mới thể hiện thể hiện tấm lòng thành kính của dân làng đối với các thần linh, đồng thời thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên tạo nên sức mạnh của cộng đồng.

Trải qua bao thăng trầm, lễ hội mừng lúa mới vẫn giữ được nhiều nét truyền thống văn hóa. Cùng với lễ cúng rừng, lễ cúng lúa mới là nét văn hóa của đời sống cư dân nông nghiệp vốn phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết và công sức làm ra hạt gạo của người lao động cần cù. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật