Thú chơi cu gáy của người Quảng Bình

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với quan niệm “chơi cá dưỡng tâm, chơi chim dưỡng trí”, khá nhiều người Quảng Bình tìm đến thú chơi chim. Loài chim được nhiều người Quảng Bình hay tìm chơi hơn cả là cu gáy. Nuôi cu gáy là thú chơi tao nhã, mộc mạc và có từ lâu đời.
Thú chơi cu gáy của người Quảng Bình
Ảnh minh họa

Chỉ có những người chơi lâu năm mới cảm nhận hết được những tinh túy, thanh cao cũng như kỹ năng của nghề nuôi cu gáy. 

Cu gáy thuần là cu bổi đánh bắt được, thuần dưỡng lâu ngày thành quen, hết sợ bóng người, gáy tự nhiên như khi còn hoang dã. Một con chim đạt các tiêu chí để làm chim mồi là con phải có tướng mạo tốt, chất giọng khỏe, thể hiện được phong cách, bản lĩnh khi giáp đấu với chim trời. Do đó, người chơi phải nắm được cách thức, phương pháp, kỹ năng trong việc chọn lựa, thuần dưỡng, chăm sóc, tập luyện cho cu gáy. 

Về hình dáng:

Người chơi cu gáy cần chọn những con có thâ‌n hìn‌h cân đối, dáng đứng thẳng, lông màu sáng. Đầu chim phải nhỏ, tròn như quả táo, lông màu xám. Mắt bé, càng lõm càng tốt, con ngươi đen nhiều. Nhìn mắt phải dữ, vệt lông màu đen, hay còn gọi là chỉ dàm kéo dài qua khoé mắt. Mỏ thường là mỏ đinh, hoặc to, gồ, độ dài và cong vừa phải.

Những con chim có lỗ mũi lớn thì chim sẽ khỏe và bền hơi hơn. Cổ cao nhưng phải thắt thì mới là chim gáy dai. Cườm trắng phải nhỏ, đóng dày, càng dày càng tốt. Bộ cườm xếp thành lối, gọi là cườm 1 dây, cườm 2 dây thì càng quý.

Ở Quảng Bình, cườm cu gáy thường là cườm nát, tức là không có dây. Nhìn qua bộ cườm là biết chất giọng của con chim. Những con chim nền lông đen nhiều thì gù dai. Những con hạt cườm trên vai có màu vàng nhạt kéo càng lên cao về phía cổ càng tốt. Thân có hình dáng như bắp chuối. Ngực phải nở rộng như quả thị, hơi khoẻ, tiếng gáy mới có lực và vang xa. Đuôi phải nhỏ, vót lại, bộ lông ôm sát thân. Cánh phải xếp gọn, dài quá phao câu, hai cánh chéo nhau. Lông quy phải tròn như vảy cá diếc, càng nhỏ và xếp dày càng tốt. Chỉ mực trên lông quy kéo thành từng đường. Chân thấp, to, có góc cạnh, vảy khô, hoặc màu đỏ son, lông phủ kín qua đầu gối.

Nhìn sắc lông, cườm con cu gáy, người chơi biết được chim gáy giọng gì, hoặc nhìn tướng mạo, điệu bộ là có thể đoán được tính nết, nước chơi hay hoặc dở. Đối với cu gáy, con nào cũng có tướng mạo, chất giọng riêng, không con nào giống con nào, trừ những con cùng chung nòi giống.

Những người chơi cu gáy đúc kết lại bằng những câu triết lý, khúc chiết, gãy gọn “Đầu nhọn, mỏ đinh, mình bắp chuối”, “Cườm cao, giao cánh”, “Cườm vàng là thổ, bỏng nổ là kim”, câu ca “Thứ nhất lông mũi mọc ra/Thứ nhì chéo cánh, thứ ba sa cườm” hay là “Nhất huỳnh kiên, nhì liên giáp, tam quá khóe, tứ chân khô, ngũ liên cườm, lục cườm rựng”.

Nhưng có lẽ “Bài thơ về tướng cu” đã được các thế hệ chơi cu gáy làng Lệ Sơn, xã Văn Hoá (Tuyên Hoá) truyền tụng lại là sự kết tinh, tuyệt đỉnh của nghệ thuật chọn cu gáy:

“Điểm dặt mắt nhỏ, mỏ xoắn chữ đinh

Khít cánh tròn mình, cườm cao ré nhỏ

Phấn không tô mà rõ, mực không điểm thành hàng

Cất tiếng gáy vẻ vang, thả tiếng cù lai láng.

Nhìn xem cái dáng nhất cho nhỏ, nhì cho to.

Chân thấp như rò (rùa) không hay tung phá.

Lông tròn vảy cá, ăn nước cù dai

Cườm đóng tận tai, xen, lèo, lặp, lợ…”.

Ngoài ra, những con chim có gián cánh, tức là có lông trắng mọc ở trên một cánh hay cả hai cánh. Đây là chim tốt nên chọn nuôi. Chim móng trắng, còn gọi là bạch đề. Chỉ cần 1 móng trắng hay nhiều móng trắng là chim quý hiếm. Chim có chân giao long. Tức là vảy chim đóng hình chữ nhân, đóng đều thành hai hàng. Chim có mỏ đỏ, là chim sát thủ, chim rất dữ, chọn làm chim mồi thường hay gặp may.

Về nước chơi: 

Một con chim cu gáy thường phải gáy đủ 3 loại nước chơi chính sau:

- Chiêu: (hay còn có tên gọi khác là gáy gọi). Khi chiêu cu gáy thường gáy “Cục cu cù…cù”. Tiếng chiêu lớn và khoan thai, đĩnh đạc càng càng tốt. Cu gáy thường chiêu các giọng: Bổ ba: “Cục cu cù”, bổ bốn “Cục cu cù…cù”... Trong đó, giọng bổ ba, có nơi gọi là chim “không hậu”, còn miền Nam gọi là “liêu” là quý hiếm nhất. 

- Thúc: Sau khi chiêu một lúc, chim bắt đầu gáy nhanh hơn, liên tục, giọng nhanh hơn, giục giã hơn nhưng nhỏ hơn nước chiêu gọi là thúc. Khi thúc chim ra nước “Cục cù cu, cục cù cu…”. Nước thúc càng nhặt càng tốt. 

- Cù: Hay còn gọi là gù. Là giai đoạn chim đấu đối mặt trực tiếp với chim bổi. Lúc đó chim sẽ ra nước “Cục cù, cục cù” liên tục. Chim cù với tốc độ nhanh, càng lâu càng tốt. Vì đây là nước chính để kíc‌h thí‌ch chim bổi nhảy vào bẫy. Trong đó, chim có nước gù chồng đấu là hiếm hơn cả.

Chim cu gáy được đánh giá là chim hay còn phải có thêm các nước chơi như xen, lèo, lặp, lợ, nhưng rất hiếm con cu gáy nào có đủ các nước chơi này.

Xen: Tiếng gáy ở giai đoạn chim ngoài đã xung trận, chim thúc một tiếng hoặc vài tiếng thì cù một tiếng “Cục cù cu, cục cù”. Con nào có nước gáy này nhiều thì sẽ rất hay và bắt được nhiều chim bổi.

Lèo: Là sau khi chiêu ba tiếng “cúc cu cu”, con chim gáy thêm 1 nhịp “cục cù cù” hoặc “cục cù”, gần giống với tiếng cù nhưng nhanh hơn. Ví dụ: "Cúc cu cu, cúc cu cu… Cục cù cù"

Lặp, hay còn gọi lăm. Là những con chim có giọng cà lăm, gáy lặp đi lặp lại. Ví dụ như: “Cúc cu cu, cúc cu cu”.

Lợ: Ở giai đoạn cuối của gáy thúc chim chuẩn bị chuyển sang cù, tiếng thúc nghe tiếng cao tiếng thấp, không đều và nhanh hơn nhiều. Có con có nước lợ, có chim không, càng nhiều lợ càng tốt. Ví dụ: Cục cu cù, Cục cù cù… 

Ngoài ra, còn có nước chơi sa cầu nhịp cánh. Sau khi cù mà không thấy chim đấu lại, nhiều con cu gáy chuyển qua sa cầu nhịp cánh. Chim nằm sát xuống lồng, đầu cúi sát đáy lồng, đít chổng lên trên, khóe đỏ trong mắt giãn ra, thúc tiếng gáy “cù cúc cu, cù cúc cu” rất nhỏ, liên tục và giật giật đôi cánh. Đây là nước dụ rất tốt và là độc chiêu cuối cùng để khiêu khích chim bổi. Nước chơi này hay bắt được chim non hoặc giữ chim bổi ở lại để chuyển qua đấu các nước chơi khác.

Về giọng:

Cu gáy có 3 giọng chính:

Giọng thổ: Chim gáy có âm thổ thì giọng trầm, giọng này được đánh giá là hay nhất. Trong giọng thổ, có thổ rền, thổ sấm, thổ bầu, thổ pha… . Giọng đồng: Chim gáy giọng đồng thì tiếng trong, ngân vang như chiêng đồng. Giọng đồng có các giọng đồng trơn, đồng thanh. Giọng kim: Chim gáy có âm kim thì tiếng nhỏ và vang ngắn. Ngoài ra cu gáy còn có các giọng pha: thổ pha đồng, đồng pha thổ, đồng pha kim. 

Theo kinh nghiệm của những người chơi chim lâu năm thì nhìn qua hình dáng bên ngoài như đầu, cườm, lông… là đã biết được chim có giọng gì. Nghe chim gáy xong, nhận xét giọng chim hay, dở ra sao là cả một nghệ thuật. Đây là một việc cực kỳ khó khăn mà chỉ những người lâu năm trong nghề mới cảm nhận và phân biệt được. Để chọn được con chim mồi vừa ý theo đúng những đặc điểm ưu việt như trong bài thơ nói trên không phải là chuyện dễ. Người bẫy cu phải có duyên lắm mới có thể chọn được một hoặc hai con nuôi làm mồi mà thôi. Bởi thế, có người vì quá quý cu mồi nên dù nghèo, ai mua với giá nào cũng không bán. 

Thức ăn và cách chăm sóc 

Ca dao xưa có câu: 

“Cu cu ăn đậu, ăn mè

Bồ chao ăn sạu (ngô), chích chòe ăn khoai”.

Thức ăn của cu gáy chủ yếu là lúa, thỉnh thoảng người chơi cho ăn thêm ngũ cốc như vừng, đậu, đỗ, bắp, hạt mằn ri… để chim căng lửa. Điều quan trọng khi nuôi cu gáy là phải thường xuyên hạ thổ để lấy sinh khí từ mặt đất, tắm nắng, ăn cát, sạn, côn trùng, đất mối… bổ sung khoáng chất. 

Chơi cu gáy là thú chơi dân gian, giàu tính nghệ thuật. Thú chơi này không chỉ giải trí, thưởng thức tiếng gáy và những pha đấu hay mà còn đúc rút, chiêm nghiệm nhiều điều triết lý về nhân sinh. Thú chơi chim cu gáy còn giúp người chơi cu rèn giũa những đức tính tốt đẹp của con người như sự trầm tĩnh, nhẫn nại, kiên trì, khéo léo. Chính vì thế, thú chơi cu gáy đầy công phu, cao thượng mà tao nhã đã ngấm sâu vào máu thịt nên được khá nhiều thế hệ người dân Quảng Bình tiếp nối và duy trì. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật