Chiến sĩ đạt điểm 10 môn Sử đỗ Học viện Biên phòng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thiếu 0,5 điểm vào trường Sỹ quan Chính trị, Trần Anh Thao nhập ngũ, hai năm sau ôn thi lại với quyết tâm đỗ Học viện Biên phòng.
Chiến sĩ đạt điểm 10 môn Sử đỗ Học viện Biên phòng
Binh nhất Trần Anh Thao. Ảnh: Đức Hùng

Binh nhất Trần Anh Thao, 20 tuổi, là con thứ hai trong gia đình nông dân có ba anh chị em ở xã biên giới Phú Gia, huyện Hương Khê. Anh công tác tại Trung đội vệ binh, Văn phòng cơ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh.

Ba hôm nay, chàng vệ binh nhận được nhiều lời chúc mừng của người thân, đồng đội khi trúng tuyển Học viện Biên Phòng. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Thao đạt 28 điểm khối C00 (Ngữ Văn 9, Lịch Sử 10, Địa lý 9). Cộng cả 2,75 điểm ưu tiên thì tổng là 30,75, trong khi đó điểm chuẩn của trường là 28,5.

Lớn lên ở vùng biên giới, cuộc sống gắn với nghề rừng, thu nhập của bố mẹ chỉ đủ lo cho ba anh chị em ăn học, không có sự tích lũy. Năm 2019, khi thi tốt nghiệp THPT, Thao quyết tâm đạt điểm cao để vào trường Sỹ quan Chính trị. Ngoài thực hiện ước mơ trở thành bộ đội từ nhỏ, cậu muốn giảm gánh nặng về học phí, vì học trường ngoài gia đình khó kham nổi.

Dự thi khối C00, năm đó Thao đạt 26 điểm, trường Sỹ quan Chính trị lấy điểm chuẩn 26,5. "Lúc đó em buồn, tiếc và hụt hẫng. Sau vài tuần, em bình tĩnh lại, tự nhủ mọi thất bại đều không có chữ ’nếu’. Mình không được suy sụp, cần cố gắng để vượt qua", Thao kể. Cùng năm, cậu viết đơn đi nghĩa vụ quân sự.

Sau ba tháng huấn luyện tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), Thao được luân chuyển, biên chế vào Trung đội vệ binh, Văn phòng Cơ quan Bộ Chỉ huy. Định thi lại vào năm 2020, song vướng nhiều việc nên Thao tạm hoãn, năm nay mới sắp xếp thời gian để "dùi mài kinh sử".

Hồi tháng 1, Thao bắt đầu hành trình thi đại học lần hai. Chàng trai trích tiền phụ cấp mua sách vở, tài liệu các môn Văn, Sử, Địa, sau đó liên hệ với bạn bè, thầy cô và những người em khóa dưới hỏi han, nhờ chỉ dạy về phương pháp ôn thi.

Gần hai năm gắn bó với thao trường và các công việc nhà binh, ngày đầu tiên ngồi vào bàn học, lật trang sách ra Thao cảm thấy đầu óc trống rỗng, kiến thức bị hổng rất nhiều. "Tháng đầu tiên em nản, có lúc định bỏ cuộc", Thao kể.

Mỗi ngày Thao trực hai ca, mỗi ca 2-3 tiếng, với nhiệm vụ tuần tra, canh gác ở cổng, hướng dẫn khách ra vào Bộ chỉ huy, hết ca trực thì về văn phòng làm các công việc hành chính liên quan giấy tờ, sổ sách. Ban ngày không có thời gian rảnh, Thao tranh thủ ôn bài vào một số buổi tối, mỗi hôm khoảng hai tiếng.

Anh Thao (ngoài cùng, góc trái) hướng dẫn đồng đội tập điều lệnh. Ảnh: Đức Hùng

Sau thời gian đầu thấy khó, đến tháng thứ hai mọi việc dần vào nề nếp. Thao cho rằng khối C00 cần ôn kỹ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, sau đó gạch từng ý chính của bài học ra giấy nháp rồi phát triển theo sơ đồ tư duy. Những lúc căng thẳng Thao nghe nhạc, chơi thể thao cùng đồng đội.

"Em giành thời gian nhiều nhất cho môn Văn, luyện các dạng đề. Hồi học phổ thông, cách cảm thụ Văn khô khan, song khi vào quân ngũ em cảm thấy chất văn của mình mang tính hồn nhiên, trẻ trung của người lính", Thao cho hay.

Từng lỡ cơ hội vào trường Sỹ quan Chính trị, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 Thao không chinh phục lại. Hai năm gắn bó với bộ đội biên phòng, chiến sĩ trẻ tâm sự đã yêu thích ngành này nên nộp hồ sơ vào Học viện Biên phòng với ước mơ được cùng đồng đội rong ruổi trên những dải đất biên cương.

Hai tháng trước kỳ thi, Thao được cấp trên cho nghỉ một số buổi lao động hoặc dừng gác một số đêm để làm hồ sơ và ôn tập. Ngày gần thi, anh cảm thấy áp lực bởi thấy kiến thức còn nhiều lỗ hổng, bản thân không có thời gian tham gia các khóa thi thử nên không biết được năng lực, mức độ học đến đâu.

Anh Thao (ngoài cùng, góc phải) cùng đồng đội đứng gác tại cổng trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Hôm thi, Thao thu hút mọi ánh nhìn khi mang quân phục. Nhiều sĩ tử lại hỏi thăm "chú bộ đội đang công tác ở đâu, làm bài tốt không", ban đầu anh cảm thấy hơi ngại, nhưng sau đó bắt chuyện và làm quen được nhiều bạn. Ba môn thi, Thao đều làm gần hết thời gian, chỉ dành được năm phút khảo lại bài.

"Thi xong em chấm môn Sử được 10 điểm, hai môn còn lại trên 8. Khi biết kết quả, em khá bất ngờ khi tổng cao hơn khoảng 2 điểm. Hay tin em trúng tuyển, bố mẹ bảo ’chú bộ đội làm rất tốt’, sau đó giọng nghẹn qua điện thoại", Thao kể.

Chàng trai 20 tuổi chia sẻ sắp tới là hành trang đầy mới mẻ ở ngôi trường và đơn vị mới. Cậu đặt mục tiêu học tập, rèn luyện để trở thành học viên giỏi, ước mong sau này được trở lại làm việc tại Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, nơi đã cho anh có những trải nghiệm đầu tiên của nghiệp nhà binh.

Thượng tá Võ Tiến Nghị, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, đánh giá Thao có đạo đức tốt, luôn chăm chỉ, cần mẫn trong công việc, là tấm gương về vượt khó để nhiều đồng đội noi theo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật