Chùa Keo - “Bảo tàng kiến trúc” gần 400 năm tuổi

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trải qua bao đời, dù đã nhuốm màu thời gian nhưng chùa Keo (Thái Bình) vẫn giữ được vẻ độc đáo về kiến trúc, nét đẹp cổ kính của ngôi chùa gỗ lớn gần 400 năm tuổi. Nhiều nhà nghiên cứu gọi chùa Keo là “bảo tàng kiến trúc cổ”.
Chùa Keo - “Bảo tàng kiến trúc” gần 400 năm tuổi
Chùa Keo mang đặc trưng kiến trúc thời Lê...

Chùa Keo nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa được khánh thành tháng 11-1632. Chùa còn có tên khác là Thần Quang tự, là nơi thờ Thánh Dương Không Lộ và những người có công lớn trong việc dựng chùa.

Trước cửa chùa là gian tiền đường bề thế, chống bằng 8 cột gỗ lim to. Phía trước là vườn cây, hai bên đặt 2 bia đá ghi chép kiến trúc chùa.

Với gần 400 năm tuổi, chùa Keo là một trong số ít chùa cổ lưu giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc xưa.

      

Phía trong, ấn tượng là dãy hành lang Đông - Tây thẳng tắp được chống bằng hàng chục cột gỗ lim lớn. Dù nhuốm màu thời gian nhưng các kiến trúc cửa, cột bằng gỗ lim ở đây vẫn bền vững.

Theo ghi chép xưa thì chùa rất rộng lớn, có diện tích toàn khu khoảng 100.800m2. Nay diện tích chùa còn trên 41.000m2. Chùa mang nét kiến trúc thời Lê. Với hơn một trăm gian lớn nhỏ khác nhau, chùa Keo được xem là công trình nghệ thuật có quy mô kiến trúc cổ rộng lớn bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam.


Độc đáo nhất là Gác chuông được làm theo dạng thức chồng diêm cổ các, hoàn toàn bằng gỗ, có 3 tầng, 12 mái lợp ngói mũi hài. Mỗi tầng gác chuông đều có đầu đao cong mềm mại. Đây được đánh giá là gác chuông to, đẹp nhất Việt Nam.

    


Trải qua hàng trăm năm, chùa vẫn vững chắc, giữ được nét cổ kính, hoa văn chạm khắc tinh tế.


Điểm nổi bật là các cấu kiện kiến trúc chùa được chạm khắc công phu, tinh xảo. Trên các mái chùa là chạm khắc nghê, lân... hoặc hoa văn biểu tượng “cá chép hoá rồng” còn được lưu giữ nguyên vẹn...
 

Điều đặc biệt, dù đã trải qua hàng trăm năm, nhưng chùa vẫn giữ được gần như vẹn nguyên kiến trúc xưa, hoa văn chạm khắc tinh tế. Cho tới nay, chùa vẫn lưu giữ được nhiều kiến trúc gỗ nguyên bản, độc đáo như: Gác chuông, bộ cửa chạm rồng, tượng Phật... Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, chùa là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ (gỗ lim).

      

Hằng năm, chùa đều mở hội xuân vào mùng 4 tháng Giêng và hội thu từ 13 đến 15-9 âm lịch, thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương đến chiêm bái.
 

Với những giá trị văn hoá, lịch sử, khoa học đặc biệt, Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật