Chuyện lạ ở nơi cầm bó củi khô đến nhà là lấy được vợ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người Chứt ở bản Rào Tre, Hà Tĩnh đã có một cuộc sống mới từ khi có bộ đội về cắm bản. Vẫn còn đó những hậu quả nặng nề của hủ tục và lạc hậu với sự bủa vây của hôn nhân cận huyết nhưng người Chứt giờ đây đã có lối thoát khi hiểu được chuyện con cái họ tật nguyền không phải do “ma Giàng“ bắt tội.
Chuyện lạ ở nơi cầm bó củi khô đến nhà là lấy được vợ
Một ca phụ nữ Chứt sinh non được cứu sống kịp thời tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Ảnh: Tuấn Dũng

Từ chuyện chưa kịp khuyên đã... có bầu

Người Chứt ở Hà Tĩnh là bộ phận 18 người của người Rục từ Quảng Bình di cư sang. Dân số ít, lạc hậu nên việc hôn nhân cận huyết là một điều không thể tránh khỏi với bà con ở đây.

Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nghe chia sẻ của những cán bộ cắm bản về nét văn hóa đặc biệt của người Chứt tại đây. Để hỏi vợ, đàn ông người Chứt sẽ mang một bó củi khô đến đặt trước cổng nhà cô gái. Nếu cô gái chấp nhận thì sẽ mang củi vào nấu. Thế là, như cách nói của những cán bộ cắm bản: “Cán bộ chưa kịp được thông báo yêu nhau thì họ đã có bầu luôn rồi”. 

Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến những cuộc hôn nhân cận huyết diễn ra tại đây. Không chỉ chuyện hôn nhân, chuyện sinh đẻ của người Chứt là một rào cản lớn. Người Chứt có tập tục đẻ lều. Phụ nữ Chứt những ngày cận sinh sẽ được ra lán gần nhà, sát nương bãi cạnh núi để đẻ. Nhiều phụ nữ cũng vì thế mà đã phải trả giá bằng mạng sống của cả mẹ, cả con. Nhiều đứa trẻ Chứt ra đời trong cảnh không lành lặn trở thành gánh nặng cho gia đình và cho cả cộng đồng. 

Cứ thế, những cuộc hôn nhân cận huyết cứ mãi nối tiếp trong từng nếp nhà của người Chứt kèm theo những lời nguyền của "ma nhà", "ma núi" bủa vây trong sương mù của lạc hậu. Anh Hồ Sanh (bản Rào Tre, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khi mình đi làm nương, làm rẫy, con cái người ta gửi ai cũng được. Đằng này, con cái mình rất vất vả vì chậm chạp và kém hơn. Chưa kể, lại còn hay đau ốm nữa”. Đó cũng là tình cảnh chung của phân nửa các gia đình người Chứt ở Rào Tre. Chuyện chị em, cậu cháu lấy nhau là chuyện “thường như cơm bữa” ở đây. ‘

Hôn nhân cận huyết không chỉ khiến những đứa trẻ người Chứt rơi vào cảnh tật nguyền mà còn khiến thể chất suy giảm. Nhiều đứa trẻ Chứt 12, 13 tuổi nhưng thể chất chỉ như trẻ lên 5, lên 6. Những cuộc hôn nhân cận huyết đã rõ nguyên nhân nhưng để hóa giải thì lại là một bài toán khó với những cán bộ cắm bản ở đây. Phần vì cộng đồng thưa người, phần vì văn hóa, phong tục lối sống người Chứt còn có nhiều khác biệt. 

Đến những “phiên chợ tình cổ tích”

Tình cờ xem được những hình ảnh về phiên chợ tình Tây Bắc, nhiều cán bộ biên phòng cắm bản tại đây đã nghĩ ra câu chuyện trở thành “ông Tơ, bà Nguyệt” cho trai gái người Chứt đến với nhau. Thấy hướng gỡ cho những trăn trở bủa vây lấy hôn nhân của người Chứt, các cán bộ đã không quản khó khăn, mở đường rừng xuyên núi qua Quảng Bình để tìm vợ, chồng cho đồng bào. 

Những đứa trẻ mạnh khỏe, tín hiệu may mắn của đồng bào dân tộc Chứt. (Ảnh: Huy Hoàng)

Lúc đầu, từ ngại ngùng rồi quen thân và trở thành đôi, thành lứa. Những cán bộ cắm bản như nín thở theo nhịp yêu của bà con người Chứt. Và những đám cưới đi vào lịch sử đã được diễn ra, người Chứt đã sang một trang mới trong đời. Theo Thiếu tá Dương Thanh Tịnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Rào Tre, những đám cưới này còn ý nghĩa hơn việc tìm ra người Chứt mấy chục năm trước. Bởi từ đây, cán bộ có lý để giải thích cho bà con hiểu về sự lạc hậu, về "ma núi" không đáng sợ đến vậy. 

Và “chuyện lạ” đã đến với Rào Tre! Không chỉ có những đám cưới của bà con người Chứt Hà Tĩnh và Quảng Bình mà còn có hẳn cả một anh con trai người Kinh đến làm rể người Chứt. Sau đám cưới lịch sử, đôi vợ chồng Kinh - Chứt còn được hỗ trợ 60 triệu đồng để dựng nhà, sinh con. Mọi khác biệt được san bằng trong sự quan tâm thấu hiểu của những người lính mang quân hàm xanh. Rồi một, hai đến cả chục hộ gia đình. Ông Hồ Bắc, người đàn ông có hẳn 2 chàng rể Kinh bộc bạch: “Con rể Kinh bên ta giỏi giang, chịu khó về bày cho mình cấy lúa, trồng khoai, nuôi gà. Cả nhà chịu khó làm lụng không gặp khó khăn vất vả gì, mình ưng, mình sướng”. 

Những đám cưới gọi tên lịch sử của đồng bào Chứt.

Cuộc đời của người Chứt cứ thể đổi thay từng trang mới. Khi đã thấy những đứa con lành lặn, thông minh, nhanh nhẹn ra đời, họ đã hiểu được "lời nguyền" của Giàng chẳng hề đáng sợ đến thế. Người Chứt được bộ đội dạy trồng lúa. Chuyện tưởng đơn giản nhưng với nhiều gia đình Chứt phải mất đến vài năm mới thành thục. Con trẻ người Chứt được đến trường. Nhiều cặp đôi người Chứt đã biết dùng bao, thuốc tránh thai để kế hoạch hóa gia đình. 

Đường về bản Chứt đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, nhiều người Chứt đã dám vượt núi tìm công ăn việc làm. Hôn nhân cận huyết thống cũng đã dần lùi xa. Không hô hào, chẳng khẩu hiệu, những chiến sĩ bộ đội, những cán bộ y tế, dân số ở Rào Tre vẫn miệt mài đồng hành cùng bà con người Chứt hòa nhập với cuộc sống của xã hội hiện đại. 

Dẫu vẫn còn đó những chứng tích của hôn nhân cận huyết nhưng bên đỉnh Giăng Màn, những âm thanh của tiếng đàn, tiếng hát không còn vọng thê lương u ám mà vang vọng mong ước về một cuộc sống mới - cuộc sống hạnh phúc đủ đầy, mạnh khỏe!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật