Gia Lai: Bâng khuâng dưới chân núi Chư Pao

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gia Lai có nhiều địa danh nổi tiếng trong nỗi nhớ riêng, chung. Nhưng có một địa danh lâu nay ít được nhắc đến. Đó là núi Chư Pao, tọa lạc ngay bên “mặt tiền” cung đường 14 (nay là đường Hồ Chí Minh) thu‌ộc đị‌a phận xã Ia Khươl, huyện Chư Pah.
Gia Lai: Bâng khuâng dưới chân núi Chư Pao
Đường 14 từ Pleiku đi Kon Tum (ảnh minh họa).

Trước năm 1975, núi này thu‌ộc đị‌a phận tỉnh Kon Tum. Từ năm 1991 trở đi thì thuộc Gia Lai. Từ TP. Kon Tum đi chừng 10 cây số về hướng TP. Pleiku, sau khi cua vòng hết đoạn dốc dài khuất nẻo cuối xã Hòa Bình thì đến đỉnh dốc Sao Mai. Tại đỉnh dốc Sao Mai, chếch phía phải một tí, lừng lững trước mắt là một bóng núi với nhiều mỏm đá to. Đó là đỉnh Chư Pao, điểm giáp ranh giữa 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

Ở khu vực Bắc Tây Nguyên, những đỉnh núi như vậy là chuyện bình thường, nhưng núi Chư Pao bất ngờ “nổi tiếng” vào những năm 1970 với mấy câu thơ nhiều người còn nhắc nhớ: “Chư Pao ai oán hờn trong gió/Mỗi chiếc khăn tang-một tấc đường”!

Là cũng bởi Chư Pao nằm ở một địa thế vô cùng đặc biệt. Con đường chiến lược 14 xuyên suốt dọc dài khu vực Tây Nguyên, đến đây gặp 2 dãy núi: núi Chư Pao phía Tây và núi Chư Thoi phía Đông kẹp 2 bên, chẹt đường 14 vào giữa một đoạn dài chừng 7 km, từ đỉnh dốc Sao Mai sang ngã ba Trà Huỳnh đến suối Ia Tô Ven, tạo thành một truông núi ngoằn ngoèo đèo dốc, khiến ngang qua đây dễ liên tưởng đến một cửa ải-như ải Chi Lăng chẳng hạn. Đứng ở sườn Đông núi Chư Pao hay sườn Tây núi Chư Thoi nhìn xuống thì mọi thứ di động trên cái truông đường này không khác gì kiến bò miệng chén!

Với nghệ thuật quân sự thì địa thế đó là một yếu điểm trong chiến thuật phục binh. Và, dĩ nhiên những nhà cầm quân của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) không thể nào bỏ qua.

Thế nên, ngay sau khi đánh tan cứ điểm 42, làm nên chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh vang dội ngày 24/4/1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 liền tổ chức tiến công tiếp vào thị xã Kon Tum. Để chặn đường tiếp viện của quân đội Việt Nam Cộng hòa từ phía Pleiku lên, B3 đã điều 1 tiểu đoàn bộ binh và pháo 75 ly chiếm lĩnh núi Chư Pao, tựa vào những mỏm đá to đen xù xì “vững như bàn thạch” làm công sự, chốt từ đỉnh núi xuống sườn phía Đông, khống chế cung đường 14.

Những đoàn xe công-voa (convoi-xe tiếp viện quân sự) từ Pleiku lên đều bị chặn đứng ngay tại cửa ngõ Kon Tum này, cháy trụi. Xác xe, xác lính rải dọc cung đường. Quân đội Việt Nam Cộng hòa quyết tâm “giải quyết” núi Chư Pao. Thế là trận đánh ác liệt 7 ngày đêm đã xảy ra.

Sau khi điên đầu với những đợt tiến chiếm Chư Pao bằng bộ binh thất bại, Đại tá Việt Nam Cộng hòa Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, quyết định lệnh cho đơn vị thiết giáp trèo lên núi cao tiến công công sự địch. Chiến thuật đánh xe tăng trèo núi với độ dốc 30-40 độ như thế này là điều chưa hề có trong các sách binh pháp!

Một chi đoàn tăng thiết giáp gồm xe M113 và M41 đồng loạt vòng từ phía Đông núi Chư Pao, theo những lối mòn xe kéo gỗ bỏ hoang vượt dốc Yên Ngựa rống rú bò dần lê‌n đỉn‌h núi, nã đạn vào các mục tiêu phát hiện. Bộ binh lóc thóc theo sau tấn công các mục tiêu dọc đường dưới sự yểm trợ của pháo binh và máy bay. Ngược lại, pháo 75 ly từ các “mỏm đá tử thần” nơi lưng chừng núi nã xuống như mưa phủ đầu những con cua sắt đang bò lổm ngổm. Hai bên hỗ‌n chi‌ến từ sườn Đông đến đỉnh Chư Pao.

Lúc bấy giờ, xác người chết trên cung đường này không chỉ có lính mà còn có thường dân. Số là, trong cơn tao loạn kinh hoàng ấy, bà con thường dân Kon Tum không còn đường lánh nạn nào khác là chạy về ngả Pleiku để thoát về miền xuôi Bình Định (lúc bấy giờ từ Kon Tum không có đường về các hướng Bắc, Tây, Đông như bây giờ). Thế là bà con như đàn vịt thả đồng nháo nhác, mạnh ai nấy chạy, bằng đủ loại phương tiện. Khi chạy ngang qua cung đường tử thần này, nhiều người đã không may bỏ mình giữa 2 làn đạn.

Thế cho nên Lâm Hảo Dũng, một người lính pháo binh quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng quân ngay tại chân núi Chư Pao mới có bài thơ đầy cảm thán, trong ấy có câu “Chư Pao ai oán hờn trong gió/ Mỗi chiếc khăn tang-một tấc đường”!

Thời điểm đó tôi đang ở Pleiku, lòng hoang mang khi nghe tin cả gia đình tôi từ Kon Tum cũng chạy về Pleiku, khi đến cung đường tử thần ấy, gặp lúc nổ ra trận đánh, phải cắm cổ chạy lui trở lại. Sau đó, tôi bám xe về Kon Tum thăm nhà, dọc đường chứng kiến tận mắt cảnh tan hoang, chết chóc rợn người.

Ngày nay, ngang qua Chư Pao, nhìn những trang trại cà phê, sầu riêng xanh mướt bao quanh chân núi và ngã ba Trà Huỳnh đang dần dà biến thành một thị tứ nho nhỏ đông vui sáng đẹp, dĩ nhiên không còn ai có cảm giác “oán hờn trong gió” nữa. Nhưng riêng lòng tôi vẫn vương lại chút bâng khuâng…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật