Bắc Ninh: Làng ô nhiễm nhất Việt Nam sắp lên... nông thôn mới

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong ngày hè nóng bức, đi ngoài trời đã thấp ngột ngạt, khó chịu thì ai nấy về thôn Mẫn Xã (Văn Môn) lại càng thấy bức bí, khó chịu hơn. Những cánh xe tải chở phế liệu đeo biển ngoại tỉnh từ khắp nơi trên cả nước đổ về, rồi những xe đến ăn hàng nhôm đúc, xe tự chế, thậm chí cả những xe đạp với chủ nhân đen đúa đi thu gom, chở đồng nát tới thôn.
Bắc Ninh: Làng ô nhiễm nhất Việt Nam sắp lên... nông thôn mới
Phế liệu sinh hoạt trên cả nước, thậm chí từ nước ngoài đổ về thôn Mẫn Xá (Văn Môn)

Khói bụi, "mây" phủ như… Sapa

"Người dân thu mua phế liệu trên cả nước đưa về, thậm chí cả từ Lào, Campuchia về. Ví dụ vỏ bia đóng bánh mang từ Lào, Campuchia về, chứ Việt Nam làm gì nhiều thế, một ngày hàng bao nhiêu tấn về.

Các nhà máy lớn của đất nước, thải ra phoi bán về đây lại cô, tái sinh ra thỏi nhôm đúc. Thế rồi, máy móc, ô tô, xe máy thải loại, vứt bỏ… được tháo vỏ máy mang về tái chế. Nói chung, nhiều rác thải công nghiệp, rác thải rắn sinh hoạt về đây hết, đồng, nhôm, kẽm…" – ông Mẫn Văn Tán, Trưởng thôn Mẫn Xá cho biết.

Xem Video: Đồng Tháp triển khai xây dựng Nông thôn mới nâng cao

//

Thôn Mẫn Xã có 900 nóc nhà thì có 300 lò tái chế, đúc nhôm, gây khó bụi và xả thải xỉ nhôm chất cao như núi.

Theo ông Tán, việc thu gom, tái chế nhôm từ đồ đồng nát nơi đây bắt đầu từ những năm 2000 và ngày càng lớn mạnh hơn do nhu cầu từ thị trường. Cả thôn có 900 hộ dân thì có trên dưới 300 hộ xây lò, tái chế đồ đồng nát thành những thỏi nhôm sáng loáng.

Cùng với vỏ bia, phoi bào máy và đồ đồng nát là nguyên liệu để tái chế, đúc ra những thỏi nhôm

Những thỏi nhôm tái chế từ rác thải công nghiệp và đồ đồng nát

Xã Văn Môn thu hút 500-700 lao động ngoại tỉnh về làm việc

Trong thôn, lò dầu, lò than dùng để tái chế, đúc nhôm mọc lên san sát, có nơi tụ lại 4-6 lò, thậm chí làm ngay cạnh nhà ở. Một ngày lò than ở thôn có thể tái chế được 1 tấn phế liệu, còn lò dầu thì tái chế được gấp đôi, khoảng 2 tấn. Cứ 1 tấn phế liệu tái chế, người dân thu được 850kg nhôm, còn lại 150 xỉ nhôm thải loại.

Với hàng trăm lò đúc đồng thắp lửa đêm ngày, lượng chất thải từ nghề thu gom, tái chế nhôm ở Mẫn Xá thải ra chất cao như núi trên cánh đồng 3,7ha. Vào ngày nắng, khói, bụi là thứ thường gặp ở nơi đây. Ngày mưa, khi nước mưa gặp xỉ nhôm khô sẽ bốc mùi khai. Với những đặc trưng riêng có này, nếu không phải dân sở tại sẽ không thể chịu đựng được.

"Xỉ nhôm chỉ ảnh hưởng không khí, anh đi đường không có khẩu trang thì bụi, khét khó chịu. Cứ để đống xỉ ở đó, có nước ở cạnh thì nước rất trong, nước trong veo hơn nước lọc. Nhưng xỉ khô mà gặp trời mưa thì bốc lên mùi khai, ô nhiễm về không khí lớn" – ông Tán chia sẻ và cho biết buổi sáng, đi ra ngoài đường ở Mẫn Xá thấy trời như Sapa (Lào Cai) hoặc những nơi cao của núi rừng có mây phủ cây cối.

Nói về câu chuyện đảm bảo môi trường ở làng nghề, ông Mẫn Văn Tán, Trưởng thôn Mẫn Xá cho rằng: "Bây giờ vấn đề môi trường tốt thì phải chờ cụm công nghiệp làng nghề xong, người dân ra đó sản xuất thì môi trường nông thôn mới tốt được".

Tới những dự án dở dang, nằm trên giấy!

Theo ông Tán, yếu tố quyết định để đảm bảo môi trường cho người dân trong làng là việc xây dựng cụm công nghiệp làng nghề và di dời, xử lý bãi xỉ nhôm cao như núi. "Khi có cụm công nghiệp làng nghề, doanh nghiệp, hộ dân chuyển các lò vào đó, làm ống khói chìm xuống nước, không có khói, bụi lên; nước thải được thu gom, xử lý thì đảm bảo tới 90% môi trường tốt".

Bãi xỉ nhôm chất cao như núi trong khi dự án xử lý vấn đang nằm trên giấy, chờ kinh phí để triển khai.

Trao đổi với PV Dân việt về kết quả xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Hoàng Gia, Chủ tịch UBND cho biết, ngay từ năm 2011, Đảng ủy, UBND xã đã định đăng ký với tỉnh "làm mẫu" về xây dựng nông thôn mới, bởi lúc đó rà soát thì xã đã đạt 12-13 tiêu chí về nông thôn mới.

"Nhưng sau càng phấn đấu thì càng thấy tụt và oải nhất là vấn đề về môi trường. Thực ra, kể cả lúc đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh (nay đã nghỉ hưu - PV) đã về đây khảo sát vào chỉ đạo việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Xã Văn Môn đang xây dựng cụm công nghiệp làng nghề; phấn đấu đưa các hộ cô, đúc nhôm trong cụm dân cư ra ngoài đấy để từng bước khắc phục triệt việc đổ rác, đổ xỉ nhôm và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề Mẫn Xá" – ông Gia chia sẻ.

Theo ông Gia, cụm công nghiệp làng nghề được quy hoạch 29,7ha. Đến nay, đã cơ bản đền bù 94%, còn 6% nữa chắc trong thời gian tới thu hồi tiếp để bàn giao cho doanh nghiệp xây dựng cụm công nghiệp làng nghề.

Cùng với đó, cuối năm 2018, đầu năm 2019, một dự án đầu tư xử lý đống bã xỉ nhôm dự kiến khoảng 200 tỷ đồng đã được UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trương và huyện Yên Phong triển khai với phương án chôn lấp trên diện tích đất khoảng 4ha.

Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên mức độ xử lý, tiến độ chưa được nhanh, kịp thời. "Hiện giờ mới nằm trong dự án, mới đang khảo sát vị trí, xin ý kiến của các Sở, ban ngành của tỉnh để làm sao có kinh phí đầu tư 200 tỷ đồng" – ông Gia nói.

Trả lời câu hỏi do PV Dân việt đặt ra: "Làm sao vẫn duy trì sản xuất mà lại đảm bảo được môi trường?", ông Gia cho rằng, đây là bài toán cực kỳ khó, đặc biệt tại thôn Mẫn Xá. Bởi, muốn giải quyết triệt để vấn đề về môi trường thì phải có sự ủng hộ, đồng tình của người dân.

"Người dân Mẫn Xã từ xưa đến giờ làm nghề truyền thống dạng người đi trước truyền cho người đi sau, cha truyền con nối nên họ không học hành, họ không cần học hành và cũng không cần các công nghệ. Khi họ sản xuất, cái lợi nhuận và đồng tiền bỏ ra để thu lợi nhuận thì nó lại là hàng đầu. Họ chỉ tính hàng xáo, ví dụ ngày hôm nay tôi làm được 1 triệu đồng thì tôi đúng túi 1 triệu đồng và tôi không muốn đóng góp bất cứ khoản nào cho cộng đồng hoặc cho xã hội" – ông Gia khẳng định.

Hiện nay, cùng với lao động địa phương, có khoảng 500-700 lao động ngoại tỉnh về làm việc tại các lò tái chế, đúc nhôm, rồi làm cửu vạn với thu nhập thấp nhất là 200 ngàn, cao thì một ngày có thể kiếm được 500-600 ngàn đồng.

Chính vì thế, ông Gia hy vọng khi cụm công nghiệp làng nghề ra, cùng với tỉnh, huyện có chủ trương, chế tài kiên quyết hơn để người dân hiểu phát triển kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo về môi trường, không phải cho bản thân mình mà cho cả cộng đồng xung quanh.

"Khi mình sản xuất có ảnh hưởng thì phải trích lại một khoản lợi nhuận của mình ra để đóng góp, cải thiện môi trường cho cộng đồng xung quanh. Người dân phải hiểu được môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và di chứng cho con cháu các đời về sau, chứ còn kinh tế lúc này chưa kiếm được, làm được thì sau mình vẫn kiếm được, làm được".

Trước đó, Văn Môn đã từng được công bố là một trong những "làng ung thư", dù thông tin này còn nhiều điều phải làm rõ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng Trạm y tế xã Văn Môn cung cấp sổ chứng tử lập ra từ 2015 đến nay thì năm nào cũng có người chết vì ung thư phổi, gan, dạ dầy… Trong hai năm 2018 và 2019, mỗi năm có khoảng 7-8 người. Đặc biệt, trên địa bàn xã cũng có nhiều người bị "đột tử".

Theo ông Duy, để đánh giá chính xác về tỷ lệ ung thư thì phải có hội đồng chuyên môn theo dõi khoảng 5 năm, rồi đánh giá mới chính xác. Dù vậy, ông thừa nhận môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe người dân về lâu dài và dự báo trong 20-30 năm nữa, những người ở độ tuổi 20-30 bây giờ sẽ ngấm tác động của môi trường và tỷ lệ ung thư phổi, vòm họng… sẽ nhiều hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật