Sốc văn hóa trong 29 ngày du lịch Ấn Độ một mình

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nguyễn Thị Thanh Tâm, sinh năm 1996, kể lại chuyến đi “điên rồ” nhất của mình đến Ấn Độ, với nhiều cú sốc văn hóa.
Sốc văn hóa trong 29 ngày du lịch Ấn Độ một mình
Tâm có mặt ở Hampi, hay nhóm các di tích tại Hampi là một Di sản thế giới được UNESCO công nhận nằm ở phía đông trung tâm Karnataka, Ấn Độ. Đây từng là thủ đô của Đế quốc Vijayanagara hùng mạ

Thanh Tâm đến với Ấn Độ rất tình cờ. Khi visa của cô sắp hết hạn lúc đang ở Sri Lanka, cô vô tình gặp Amit, một người bạn Ấn Độ ở cùng nhà nghỉ. Amit biết chuyện của cô, nên hỏi: "Tại sao cô không thử qua Ấn chơi. Ấn có nhiều điều thú vị hơn Sri Lanka, đã vậy còn sát bên nữa chứ". Thế là Tâm lên đường. Điều đầu tiên, Tâm tìm thông tin về xin visa điện tử, sau đó mua vé và bay đến Cochin (Kochi), một thành phố cảng lớn ở tây nam Ấn Độ.

Bạn bè thắc mắc tại sao cô phải hành xác trong khi có thể lựa chọn những đất nước dễ dàng di chuyển và thân thiện hơn. Đối với Tâm, việc đi du lịch không chỉ để du ngoạn, hưởng thụ mà còn để khám phá, hòa nhập với nền văn hóa và con người địa phương. Du lịch là để thoát khỏi vùng an toàn, thử thách khả năng sinh tồn và thích nghi của bản thân.

Những ánh nhìn chằm chằm

"Bất kể đi đâu, làm gì mình luôn trở thành tâm điểm của mọi ánh nhìn", Tâm kể. Lý do là bởi cô là người nước ngoài, nhưng cái nhìn ấy thật sự khiến cô khó chịu. Từng chuyển động cử chỉ của cô không thoát khỏi sự quan sát của người địa phương.

Lúc Tâm thuê khách sạn ở thành phố Jaisalmer bang Rajasthan, ông chủ khách sạn lúc nào cũng nhìn cô chằm chằm. Ban đầu Tâm nghĩ đơn thuần chỉ là sự tò mò. Nhưng càng về sau ông kiếm lý do tiếp cận và hứa sẽ giảm giá nếu cô chịu ở lại thêm vài ngày nữa. Đỉnh điểm một hôm, ông nắm tay cô làm cô chết khiếp. "Thế là tôi gói đồ chạy khỏi khách sạn ấy", Tâm nhớ lại.

Một lần khác, khi cô đi bộ ra đường vào 10 giờ tối để mua nước uống, con hẻm vắng tanh không một bóng người. Đầu hẻm là một đám thanh niên khoảng bảy người. Để về lại nhà nghỉ, cách duy nhất là phải đi ngang qua đám thanh niên ấy. Lúc ấy, cô sợ phát khóc và trong đầu tràn ngập hình ảnh nữ sinh Ấn Độ bị cưỡ‌ּng hiế‌ּp tập thể trên xe buýt năm 2012. Tâm nhắm nghiền mắt, cầu trời khấn phật và cắm đầu chạy một mạch về nhà mà không thèm ngoảnh lại. Về đến nơi, cô thở phào nhẹ nhõm vì cũng may là không ai đuổi theo sau.

Cung điện với gần 1.000 cửa sổ ở Rajasthan.

Phân động vật khắp mọi nơi

Tại Ấn, người dân thường th‌ּả rôn‌ּg động vật, nên phân của nó ở khắp nơi, khiến cho cảnh quan có phần ô nhiễm. Mùi phân bốc lên nồng nặc, sẵn sàng sộc vào mũi nếu bạn đi ngang qua. Người Ấn xem bò là một vị thần, theo sự tích bò thần Nandin, vật cưỡi của vị thần Shiva, vì thế bò được th‌ּả rôn‌ּg. Thêm nữa, mỗi khi ra đường Tâm đều sợ chim thải phân xuống đầu.

Phân bò được quý như vàng hay kim cương ở xứ sở này. Họ trét phân bò trước cửa nhà để cầu may mắn, ngoài ra phân bò còn là nguyên liệu làm bánh hay nấu soup, hoặc có khi được đốt để xua đuổi côn trùng.

Tâm cho biết, việc bắt gặp một chú bò đang thong thả đi qua đường hay nằm giữa bãi biển " tắm nắng " là chuyện thường như đi chợ.

Văn hóa ’ăn bốc’

Đa phần người Ấn ăn bằng tay vì họ cho rằng đó là sự tôn trọng thực phẩm mà họ có. Tâm cảm thấy khó mà thích nghi với điều này dù đi đâu cũng nhìn thấy. Nhiều quán ăn và nhà hàng chuẩn bị muỗng cho du khách, nên cô yên tâm. Tuy vậy, trong một lần đi tàu hỏa, Tâm mua một hộp cơm nhưng không có dụng cụ để ăn, thế là cô cắt nắp hộp để làm muỗng ăn tạm bợ. Không thể ăn bốc như người địa phương, Tâm luôn mang theo bên mình dụng cụ ăn tự chế. Cứ mỗi lần ăn xong, cô rửa sạch và bỏ vào ba lô nhưng đến sân bay New Delhi thì bị an ninh thu giữ.

Đồng ý lắc đầu, từ chối cũng lắc đầu

Sau khi làm thủ tục check-in ở sân bay, Tâm đón xe buýt về nhà nghỉ. Tâm hỏi một chú bảo vệ gần đó để biết có phải xe màu vàng là về địa chỉ nhà nghỉ của mình không, thì chú lắc đầu rồi bỏ đi. Sau đó, cô tiếp tục hỏi một người phụ nữ đứng gần thì được câu trả lời là Yes, nhưng chị lắc đầu. Lúc này, cô phân vân: "Vậy là phải hay không?". Cô chợt nhớ, khi ở Sri Lanka, mọi người cũng hay đồng ý bằng cách lắc đầu. Để chắc chắn hơn, Tâm hỏi lại chị ấy một lần nữa, chị vẫn lắc đầu và lần này tận tình chỉ cho cô trạm xuống. Lúc này, Tâm mừng thầm khi biết câu trả lời và không còn quan tâm đến việc "lắc" hay "gật" trong văn hóa Ấn Độ nữa.

"Ai xem cô dâu tám tuổi rồi thì sẽ biết được kiểu lắc đầu này", Tâm hài hước bảo. Nếu như họ lắc nhẹ từ trái sang phải một đến hai lần có nghĩa là họ đồng ý, hoặc đồng tình với những gì bạn nói. Còn nếu họ lắc nhiều cái nhưng nhẹ nhàng nghĩa là có thể. Còn họ lắc đầu mạnh với vẻ mặt không mấy vui vẻ thì đó là không. Ra ngoài đường nếu thấy người lạ lắc đầu và mỉm cười với bạn thì người ta đang tỏ ra thân thiện.

Ngoài những trải nghiệm không mấy dễ dàng, Tâm gặp rất nhiều người tốt bụng và thân thiện. Họ biết cô đi du lịch một mình nên đã nhiệt tình giúp đỡ, cho cô nhiều lời khuyên bổ ích. Có nhiều người còn ra sức bảo vệ Tâm một cách quá mức vì họ không nỡ để một cô gái chân yếu tay mềm xoay sở một mình. Họ khăng khăng tự đưa cô đi tham quan chỉ vì lý do đi một mình sẽ gặp nguy hiểm.

Tìm được bạn tốt và những cảnh đẹp đặc sắc ở Ấn Độ

Trong muôn vàn nỗi lo mà cô đã nghe hay đọc từ trước về Ấn Độ, cô gặp được Amit, một chàng trai lém lỉnh và thông minh. Anh chính là lý do mà cô có mặt ở đây. Amit đã mời cô về nhà chơi và đãi cô những bữa cơm gia đình. Amit còn tình nguyện đưa Tâm đi chơi khắp nơi và là hướng dẫn viên địa phương của cô.

Hơn hết, kiến trúc lịch sử của những toà lâu đài, những ngôi đền cổ chính là điểm quyến rũ lớn nhất của Ấn Độ. Phải tận mắt chứng kiến bầu trời nhuộm màu cam đỏ cháy chiếu xuống những tảng đá hoa cương trắng tinh khiết của Taj Mahal phản chiếu dưới mặt hồ yên tĩnh, hay cắm trại qua đêm ở sa mạc Thar ngàn sao thì mọi người mới cảm nhận được điều mình kể, Tâm cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật