Mũi giáo Nhật Bản để Mỹ đối phó Trung Quốc

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ muốn Nhật Bản mở rộng quy mô hạm đội tàu ngầm, tăng cường năng lực quốc phòng để trở thành ’mũi giáo’ đối phó Trung Quốc, nhưng Tokyo lưỡng lự với việc mở rộng vai trò của mình.
Mũi giáo Nhật Bản để Mỹ đối phó Trung Quốc
Ảnh minh họa

Từ lâu, liên minh Mỹ - Nhật được mô tả bằng cụm từ “mũi giáo và chiếc khiên”, với lực lượng Mỹ tiên phong và Nhật Bản phía sau, theo Nikkei Asia. Nhưng nay, Mỹ muốn Nhật Bản đứng vào vị trí mũi giáo.

Khi quân đội Mỹ rút khỏi Trung Đông để tập trung vào đối phó Trung Quốc, Washington đang tìm kiếm đồng minh, đối tác để tham gia nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh, duy trì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tự do và cởi mở.

Và không quốc gia nào khác có thể giúp đỡ Mỹ tốt hơn Nhật Bản.

Nhật Bản không chỉ nằm gần eo biển Đài Loan, mà còn là nơi hơn 50.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân - lực lượng triển khai tiền phương lớn nhất của Mỹ.

Nhưng khi Mỹ và Nhật Bản chuẩn bị thảo luận về vai trò, sứ mệnh và khả năng cụ thể tại cuộc họp “hai cộng hai” (giữa các bộ trưởng ngoại giao vào quốc phòng hai nước) vào cuối năm, hai bên đang đối mặt với nhiều thách thức.

Khoảng cách giữa sự kỳ vọng cao ở Washington và những khó khăn mà Tokyo gặp phải, có thể khiến cuộc đàm phán lâm vào bế tắc.

Bài toán tàu ngầm

Trong kế hoạch của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương, hạm đội tàu ngầm của Tokyo là một ví dụ điển hình về tham vọng của Mỹ và thế khó của Nhật Bản.

Trong tháng 3, tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki bàn giao chiếc tàu ngầm phi hạt nhân lớp Soryu mới nhất, mang tên Toryu cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF), mở rộng quy mô hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản lên 21 tàu.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Taigei được hạ thủy vào tháng 10/2020. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Năm 2022, chiếc đầu tiên của tàu ngầm lớp Taigei với khả năng tàng hình cao, và thời gian hoạt động lâu hơn dưới nước, sẽ gia nhập hạm đội.

Quy mô hạm đội tàu ngầm Nhật Bản sẽ tăng lên 22 tàu. Đây là kế hoạch được vạch ra từ năm 2010. Hạm đội tàu ngầm Nhật Bản khi đó mới có 16 tàu.

Nhưng kể từ thời điểm đó, Nhật Bản mỗi năm cho dừng hoạt động một tàu ngầm, khi một tàu mới được đưa vào hoạt động, duy trì quy mô hạm đội ở mức 22 tàu.

Vòng đời sử dụng của các tàu ngầm Nhật Bản chỉ 22 năm, ngắn hơn nhiều so với vòng đời sử dụng gần 40 năm của Mỹ và các đồng minh khác.

Ron O’Rourke, nhà phân tích hải quân kỳ cựu của Mỹ, cho rằng tàu ngầm Nhật Bản là một tài sản tiềm năng mà Mỹ có thể sử dụng để tăng cường năng lực răn đe trong khu vực, khi đối mặt với ngân sách hạn chế.

O’Rourke, chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, từng nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng nếu phía Nhật chỉ cần đưa ra quyết định giữ tàu ngầm phục vụ trong 30 năm, giống như tàu ngầm của Mỹ, "họ có thể tăng quy mô hạm đội từ 22 lên 30 tàu, mà không cần đóng thêm tàu ngầm mới".

Chuyên gia O’Rourke cho biết nếu Nhật Bản tăng quy mô hạm đội tàu ngầm lên 30 tàu sẽ rất có ý nghĩa đối với Mỹ, khi Hải quân Mỹ sắp ngừng hoạt động một loạt tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles từ thời chiến tranh Lạnh.

Hạm đội tàu ngầm Nhật Bản lớn hơn, sẵn sàng hỗ trợ Hải quân Mỹ trong các tình huống bất ngờ. Điều này sẽ mang đến cho các nhà hoạch định chiến lược Mỹ nhiều lựa chọn.

Tàu ngầm Nhật Bản nổi tiếng thế giới với khả năng hoạt động cực êm. Chúng có thể chờ ở các vị trí án ngữ trên chuỗi đảo thứ nhất, tạo ra mối đe dọa đáng kể với các tàu ngầm Trung Quốc muốn tiến vào Tây Thái Bình Dương.

Nhưng việc tăng quy mô hạm đội tàu ngầm Nhật Bản không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt là vấn đề nhân sự để vận hành chúng.

Ngay cả khi Nhật Bản có thể giải quyết bài toán nhân sự, Mỹ và Nhật Bản vẫn chưa có cuộc thảo luận chính thức về vai trò mỗi bên trong tình hình mới.

Mỹ muốn Nhật là mũi giáo

Trước sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc, Mỹ muốn Nhật Bản cầm một ngọn giáo, dù nó nhỏ đến đâu.

Tháng 12/2020, nội các Nhật Bản thông qua kế hoạch phát triển tên lửa tầm xa, có khả năng vươn tới toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên, một số khu vực của Trung Quốc và Nga, để lắp trên máy bay.

Ngoài ra, Tokyo còn lên kế hoạch tăng tầm bắn cho tên lửa chống hạm Type-12 phóng từ đất liền.

Hệ thống phòng thủ bờ biển sử dụng tên lửa chống hạm Type-12 của Nhật Bản. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Tom Karako, giám đốc dự án phòng thủ tên lửa, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, có trụ sở tại Washington, nhấn mạnh trong quân đội Mỹ có mức độ hợp tác chưa từng có giữa các chi nhánh lực lượng vũ trang, nhằm phát triển tên lửa tầm xa, vũ khí siêu vượt âm để đối phó Trung Quốc.

“Sự hợp tác này phản ánh mức độ nghiêm trọng về mối đe dọa từ Trung Quốc. Mỹ không thể làm điều đó một mình, họ sẽ yêu cầu sự hợp tác nhiều hơn với đồng minh quan trọng nhất trong khu vực châu Á là Nhật Bản”, ông Karako, nói.

Ông cho biết cách Mỹ muốn Nhật Bản giúp đỡ là phát triển mạnh năng lực quốc phòng.

“Chúng ta sẽ cần rất nhiều tên lửa, để họ (Trung Quốc) không đánh giá thấp quyết tâm của chúng ta”, ông Karako nói thêm.

Vị chuyên gia cho rằng Mỹ không muốn mở thêm căn cứ cố định ở Nhật Bản, vì chúng có thể trở thành mục tiêu.

Thay vào đó, sự hợp tác Mỹ - Nhật sẽ trở nên hiệu quả cao khi họ xem xét giải pháp triển khai tên lửa linh hoạt, chẳng hạn nền tảng di động, luân phiên ở các đảo và triển khai trên máy bay không người lái.

Tuy vậy, Jennifer Lind, phó giáo sư tại Đại học Dartmouth, Mỹ cho biết Nhật Bản không muốn nhận thêm trách nhiệm về quốc phòng. Nó tốn kém và gây chia rẽ chính trị ở Tokyo.

Bà Lind cho rằng để đảm nhận vai trò an ninh rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản đòi hỏi phải có sự điều chỉnh thể chế và kéo công chúng vào cuộc.

“Người dân Nhật Bản có thể không muốn chấp nhận chi phí và rủi ro, nhưng họ nên hiểu điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với an ninh quốc gia và lợi ích rộng lớn hơn của đất nước, khi Trung Quốc liên tục mở rộng sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị”, bà Lind nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật