Nghệ thuật rối nước độc đáo ở Thái Bình

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cùng với chèo làng Khuốc (Phong Châu) và múa rối nước Nguyên Xá, múa rối nước làng Đống xã Đông Các được xem là “đặc sản” văn hóa của Ðông Hưng nói riêng, Thái Bình nói chung. Trải qua hàng thế kỷ với bao thăng trầm, biến động, múa rối nước làng Đống vẫn tồn tại và phát triển, trở thành món ăn tinh thần trong đời sống người dân nơi đây.
Nghệ thuật rối nước độc đáo ở Thái Bình
Múa rối nước

Phường múa rối nước làng Đống là một trong bảy phường rối cổ truyền của Đông Hưng, hiện nay là một trong hai phường múa rối nước của huyện hoạt động thường xuyên. Nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét độc đáo rất riêng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng Thuở trước, múa rối nước là một nghề bí truyền nên các nghệ nhân chỉ truyền dạy cho con cháu trong gia đình. Nhưng từ năm 1982, nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của quê hương, những nghệ nhân múa rối nước đã không còn giấu nghề mà tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ. Từ các trò diễn đơn sơ, múa rối nước làng Đống được nâng lên thành nghệ thuật biểu diễn. Kết hợp với hát chèo, tiết tấu âm nhạc phù hợp, múa rối nước đã tạo nên sức hấp dẫn đối với người xem. Múa rối nước làng Đống dần vượt ra khỏi hội làng, đi diễn ở các nơi, càng đi nhiều các trò diễn càng thêm sáng tạo. Để đa dạng về tích trò, các nghệ nhân múa rối nước làng Đống đã sớm vận dụng đưa những tích trò nhỏ của tuồng vào như trích đoạn trao Hoàng tử, chém Tá, trích từ tuồng Sơn hậu, đoạn thất cầm Mạnh Hoạch trích từ tuồng Tam quốc...

Bên cạnh đó, múa rối nước làng Đống thường nổi danh về quy tụ được nhiều nghệ nhân giỏi ở cả các khâu. Đặc biệt là sáng kiến dùng thùng nước để đi biểu diễn lưu động thay cho hồ ao. Thùng múa rối nước của làng Đống dài 3m, rộng 3m, sâu 0,4m chia làm hai nửa, ghép lại với nhau bằng đinh bu-lông có đệm cao su chống rỉ nước, khi diễn kê trên giá gỗ cao 0,4m, có thể vận chuyển dễ dàng đến địa điểm biểu diễn. Các nghệ nhân đứng trong buồng trò sát thành thùng phía sau điều khiển. Buồng trò là khung gỗ, khung tre lợp vải, có mành che chờm vào thùng 0,5m. Một đặc điểm đáng chú ý nữa là phường múa rối nước làng Đống dùng nhiều máy sào. Máy sào Đống có hai kiểu: kiểu có mắc dây làm xoay chuyển toàn thân và các dây làm cử động từng bộ phận c‌ơ th‌ể quân rối như chân, tay, đầu, mình... theo ý muốn. Kỹ xảo này không nhiều phường rối có thể bắt chước được; kiểu thứ hai đơn giản nhờ sức nước cản làm xoay chuyển toàn thân hoặc có thể lắp dây làm công việc này theo ý muốn.

Năm 1994, được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là Cục Nghệ thuật biểu diễn, Quỹ Phát triển văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, Quỹ Ford, phường múa rối nước làng Đống được phục hồi và đổi tên thành "Phường múa rối nước cổ truyền xã Đông Các".

Sau một thời gian ngắn, phường đã khôi phục được 12 trò diễn và xây dựng vở tuồng dài "Hội thề Đông Quan". Tháng 8/1994, phường tham gia liên hoan múa rối nước toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, đạt 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, được ban tổ chức đánh giá cao. Những năm qua, nhằm duy trì và phát huy nghệ thuật múa rối nước của quê hương, phường múa rối nước Đông Các đã được UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, hỗ trợ kinh phí bổ sung, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, được UBND huyện Đông Hưng và xã Đông Các tạo điều kiện giúp đỡ hoạt động. Năm 2003, được sự tài trợ từ Quỹ Ford, phường đã xây nhà thủy đình trên hồ rối và có kinh phí làm mới bộ quân rối cho các tích trò phường thường biểu diễn. Hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư mới hoàn toàn, khuôn viên phường rối có thêm khán đài để phục vụ khán giả. Từ đó đến nay, phường đã tham gia 5 liên hoan múa rối nước toàn quốc và biểu diễn hàng trăm buổi phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức của đông đảo quần chúng nhân dân, mang về 14 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Điều đó càng làm tăng thêm niềm tự hào của những nghệ nhân trong phường, giúp họ có thêm động lực duy trì và bảo tồn nghệ thuật truyền thống của quê hương.

"Phường múa rối nước Đông Các hiện có 21 thành viên, người cao tuổi nhất là 86 tuổi, người trẻ nhất 24 tuổi, hoạt động theo phương thức tự thu tự chi, tự quản lý, điều hành và duy trì hoạt động. Với tình yêu và sự đam mê với nghề, mặc dù các nghệ nhân trong phường còn bận mải nhiều công việc nhưng hễ có nơi mời biểu diễn là mọi người đều tích cực tham gia. Mỗi năm phường đi biểu diễn khoảng 50 buổi. Đặc trưng của nghệ thuật này là các nghệ nhân múa rối đều phải ở dưới nước và sẽ đẹp hơn nếu diễn vào buổi tối."

(Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban Văn hóa xã Đông Các, Trưởng phường múa rối nước Đông Các)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật