Khó khăn bủa vây V.League

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bối cảnh dịch bệnh, những người làm chuyên môn buộc phải xoay xở bằng nhiều cách để đảm bảo giải đấu về đích an toàn.
Khó khăn bủa vây V.League
V.League sẽ phải nhường chỗ cho các đội tuyển quốc gia thi đấu trong 4 tháng cuối năm. Ảnh: Minh Chiến.

Ngày 22/6, VPF (đơn vị tổ chức giải) đưa ra đề xuất tổ chức V.League 2021 trong bối cảnh mới. Toàn bộ các trận đấu được tổ chức trong vòng chưa đầy một tháng. Quyết định cuối cùng chưa có, nhưng những nhà làm chuyên môn dường như không còn giải pháp tốt hơn.

Quỹ thời gian hạn hẹp

Còn tới hơn 5 tháng nữa mới kết thúc 2021, trong khi V.League đã ở vòng cuối của giai đoạn 1 và chỉ phải tổ chức tối đa 7 vòng đấu để kết thúc mùa giải. Tuy nhiên, ban tổ chức (BTC) chưa thể đưa giải đấu trở lại sau khi tạm dừng mọi hoạt động liên quan từ ngày 6/5, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đó vẫn chưa phải là tất cả khó khăn BTC đang phải đối mặt.

CLB Viettel đang bận thi đấu vòng bảng AFC Champions League và sớm nhất ngày 12/7 đội bóng này mới trở về Việt Nam rồi phải cách ly theo quy định trước khi có thể trở lại tập luyện bình thường.

Theo kế hoạch hoạt động đã được thống nhất từ đầu năm, đội tuyển quốc gia bắt đầu tập trung từ 22/8. Thực tế, dù không lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022, thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn phải thi đấu tại vòng loại Asian Cup.

Trong trường hợp thi đấu tại sân khách, các thành viên tuyển Việt Nam cần 14 ngày cách ly khi về nước theo quy định. Sau đó, thầy trò HLV Park Hang-seo lại bước vào chuẩn bị cho các trận đấu tiếp theo với quỹ thời gian khoảng 20 ngày.

Chu trình nói trên diễn ra liên tục cho tới hết ngày thi đấu 16/11. Kết thúc những trận đấu trong năm tại vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam còn nhiệm vụ bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup vào tháng 12. Song song với 2 giải đấu ở đội tuyển quốc gia, HLV Park Hang-seo còn nhiệm vụ tại vòng loại U23 châu Á 2022 từ ngày 23 đến 31/10.

Với lịch thi đấu dày đặc của các đội tuyển quốc gia cùng yêu cầu về phòng dịch, các giải đấu quốc nội không thể tìm được khoảng trống để "lách" lịch giữa các đợt thi đấu như trước đây. Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc cũng khẳng định quan điểm tiếp tục ủng hộ tối đa để tuyển Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất sau thành tích lịch sử vừa qua.

’Nên nhìn theo hướng tích cực nhất’

VPF đưa ra phương án thi đấu giai đoạn 2 tập trung và không khán giả trong vòng chưa đầy một tháng, từ 31/7 đến 22/8, để V.League có thể về đích an toàn. Cụ thể nhóm A (6 đội) đá 5 vòng từ ngày 6-21/8, nhóm B (8 đội) đá 7 vòng từ ngày 4-22/8. Trước đó là vòng 13 (diễn ra cùng giờ theo cách thức cũ).

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Ngọc, đơn vị này đang thực hiện các thủ tục cần thiết để kế hoạch nói trên được triển khai. Nếu được thông qua, các đội bóng phải đối mặt với mật độ thi đấu 3 ngày/ trận, ở 9 SVĐ tại khu vực phía Bắc.

V.League 2021 chưa thể trở lại sau gần 2 tháng tạm hoãn bởi dịch bệnh. Ảnh: Y Kiện.

Việc chỉ tổ chức tại phía Bắc bởi diễn biến dịch ở các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp, trong khi các địa điểm được chọn tương đối an toàn và đầy đủ các điều kiện thi đấu theo yêu cầu.

Trong cuộc trao đổi với Báo chiều 22/6, ông Ngọc cũng bày tỏ tâm tư làm sao để các bên liên quan ít bị ảnh hưởng nhất. Vị này cho biết việc sắp lịch thi đấu giai đoạn 2 sẽ được tính toán để các đội bóng thuận tiện nhất. Ông Ngọc lấy ví dụ việc tổ chức như bình thường, các đội bóng phía Nam cũng phải di chuyển bằng máy bay liên tục, điều này không có nhiều khác biệt so với việc thi đấu tập trung.

Về các vấn đề liên quan tới điều kiện thi đấu, ông Ngọc khẳng định giải sẽ chỉ tổ chức lại khi đảm bảo tính an toàn cao nhất: "Chúng tôi nhận thức rõ và chỉ tổ chức nếu diễn biến dịch tích cực và được cho phép. Đồng thời, toàn bộ các trận đấu không đón khán giả. Các CLB cũng được yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người ngoài để đề phòng bất trắc. Quan điểm của tôi là chúng ta nên nhìn theo hướng tích cực nhất".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật