Thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine Nanocovac có thể được cấp phép trong tháng 9 tới

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kinh nghiệm tại những nước đang kiểm soát tốt dịch Covid-19 cho thấy, tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp căn cơ, lâu dài để tránh được những làn sóng dịch bệnh có thể xảy ra.
Thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine Nanocovac có thể được cấp phép trong tháng 9 tới
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử mũi hai vaccine Nano Covax, sáng 26/3.

Một tin vui, mở ra cơ hội mới cho người dân khi vaccine Nanocovac của nước ta thử nghiệm giai đoạn 2 đạt kết quả tốt, được Hội đồng Đạo đức quốc gia cho phép thử nghiệm giai đoạn 3 sớm hơn dự kiến. Vậy vaccine Covid-19 made in Việt Nam đầu tiên này có được đặc cách cấp phép khẩn cấp không? Khi nào Việt Nam có được miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine? 

Tất cả những người sau khi được tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovac trong máu đều có kháng thể bảo vệ. Kết quả này là niềm vui đối với những người tham gia tiêm thử nghiệm và mang lại kỳ vọng cho nhiều người đang chờ đợi vaccine Covid-19, nhất là trong thời điểm dịch bệnh lây lan nhanh ở nước ta hiện nay.

"Ngay từ đầu tôi đã tin tưởng vaccine này và kết quả của nó đã như tôi mong đợi. Sức khỏe của tôi sau khi tiêm vaccine vẫn bình thường, ăn ngủ nghỉ không có gì thay đổi. Sau mỗi tuần, tôi được đến kiểm tra sức khỏe một lần, xét nghiệm máu, cân đo, kiểm tra xem sức khỏe có bình thường hay không. Những lần đó sức khỏe đều rất tốt", người tiêm thử vaccine cho biết.

Lượng kháng thể trong máu tăng lên khi người tham gia thử nghiệm được tiêm mũi vaccine thứ 2 càng khẳng định hiệu quả của vaccine Nanocovac. Theo Thượng tá, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y, trên thế giới, loại vaccine Covid-19 có hiệu quả sinh kháng thể tốt nhất đạt khoảng trên 90%, nhưng cũng có loại chỉ đạt 60-70%. Vaccine của Việt Nam tỷ lệ sinh kháng thể đạt 100% khi thử nghiệm là điều đáng ghi nhận.

“Tất cả đối tượng nghiên cứu đều tăng số lượng kháng thể. Gần 600 đối tượng nghiên cứu đều an toàn. Không có trường hợp nào phải xử lý bằng thuốc, cấp cứu”, Tiến sĩ Hồ Anh Sơn nói.

Một trong 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax. 

Gần 1.200 người được tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, không có trường hợp nào bị sốc phản vệ phải cấp cứu hoặc phải điều trị bằng thuốc là bằng chứng cao nhất về sự an toàn. Tham gia tiêm thử nghiệm vaccine đầu tiên do Việt Nam sản xuất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chia sẻ.

“Khi tiêm mũi 1 thì phản ứng rất nhẹ, không bị sốt, chỉ cảm thấy hơi vang váng đầu. Đến đợt 2, đúng như dự liệu, phản ứng ở mức cao hơn 1 chút, có sốt nhẹ trong hơn 1 ngày, cảm giác váng đầu cũng rõ hơn đợt 1 nhưng sau 2 ngày hoàn toàn hết và bình thường trở lại. Trước khi tiêm, các bác sĩ đều phổ biến đến tất cả mọi người là có thể sẽ có những phản ứng, thậm chí mọi người đều được lấy ven trước để đề phòng trường hợp nếu có sốc phản vệ thì cấp cứu được ngay nhưng tôi được biết không có ai có phản ứng nặng đến mức đó”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Qua thử nghiệm lần 2, các nhà khoa học đã lựa chọn được mức liều chung là 25 mcg và vaccine Nanocovac đã được Hội đồng Đạo đức quốc gia cho phép thử nghiệm giai đoạn 3 trong tháng 6 này. Dự kiến khoảng 13.000 tình nguyện viên sẽ tham gia thử nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine đối với cộng đồng. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết khoảng 2 tháng nữa sẽ có đủ cơ sở khoa học về vaccine Nanocovac. Còn Theo Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, hoàn toàn có thể cấp phép khẩn cấp cho vaccine này.

“Theo luật của Quốc tế, hoàn toàn có thể nếu dịch xảy ra, báo cáo hội đồng y đức, báo cáo bộ y tế và xin phép cấp một phê duyệt khẩn cấp có điều kiện tiếp tục tiêm cho đông đảo người dân và tiếp tục đánh giá tiếp. Giống như các vác xin khác như Sputnik V, Astrazaneca và một số vaccine khác cũng áp dụng mô hình như thế. Chúng tôi đang triển khai và hy vọng Bộ đã cho phép sẽ cùng với Bộ Y tế cùng với các cơ quan ngay trong tháng 6 triển khai, nếu thuận lợi khoảng đến tháng 9 này chúng ta sẽ báo cáo với Hội đồng đạo đức quốc gia và Bộ Y tế xin cấp phép để có thể triển khai ngay”, Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Quyết nói.

Trong bối cảnh vaccine Covid-19 trên thế giới “cung không đủ cầu”, nếu vaccine Nanocovac về đích sớm sẽ là cơ hội để Việt Nam chủ động phòng chống dịch. Những tín hiệu tốt đẹp từ vaccine Covid-19 trong nước đầu tiên cùng với nguồn vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế dự kiến đến cuối năm này sẽ có đủ vaccine để tiêm cho 70% dân số (tương đương với 150 triệu liều). Miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vaccine đang là kỳ vọng để có thể chặn đứng những làn sóng dịch bệnh Covid-19 ở nước ta

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật