Khi nào Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai, khẳng định người dân vẫn cần tiêm chủng vaccine Covid-19, ngay cả khi chúng ta đang kiểm soát dịch tốt.
Khi nào Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng?
Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Xuân Cơ khuyến cáo người dân Việt Nam nên chủ động tiêm phòng vaccine Covid-19 để nước ta sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Ảnh: BYT.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Tổng thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, cho biết Việt Nam tạo được miễn dịch cộng đồng khi trên 70% người dân được tiêm vaccine.

“Người dân vẫn cần tiêm chủng vaccine Covid-19, ngay cả khi chúng ta đang kiểm soát dịch tốt. Không có vaccine thì rất khó để kiểm soát dịch trong bối cảnh hiện nay”, bác sĩ Cơ nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này đánh giá Bộ Y tế đang tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 khoa học và phù hợp với thực tiễn, có văn bản, hướng dẫn chi tiết, tập huấn quy trình tiêm chủng sâu rộng. Người dân cũng có thể dễ dàng tự phát hiện các triệu chứng, biểu hiện bất thường sau khi tiêm vaccine để đi khám và được xử trí kịp thời.

Do đó, Phó giáo sư Đào Xuân Cơ trấn an người dân nên yên tâm tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong tuần tới, ông và khoảng 1.500 nhân viên y tế tại bệnh viện Bạch Mai cũng được tiêm vaccine.

Hiện nay, Việt Nam có 210.000 người tại 25 tỉnh, thành phố được tiêm chủng. Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine này là khoảng 30%, thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất. Bộ Y tế cũng chưa ghi nhận ca nào có biểu hiện rối loạn đông máu.

Hai phản ứng xảy ra sau tiêm mà người dân lo ngại đó là phản ứng phản vệ và rối loạn đông máu. Theo PGS Đào Xuân Cơ, Bộ Y tế đều có văn bản hướng dẫn xử trí nhằm đảm bảo tính kịp thời, “tiêm đến đâu an toàn đến đấy”.

Thời gian qua, một số ca bị phản ứng dị ứng ở các mức độ khác nhau với các hiện phản ứng là sốt, mệt mỏi, đau chỗ tiêm… Đây là các biểu hiện thường gặp và cũng là phản ứng thông thường của c‌ơ th‌ể với mọi loại vaccine.

Một số trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng với các mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ I, rất ít trường hợp ở mức độ II, III. Những người này đều được phát hiện và xử trí kịp thời, sức khỏe của người tiêm bình phục rất nhanh.

Đối với tình trạng rối loạn đông máu, Bộ Y tế cũng ban hành phác đồ rõ ràng để toàn bộ cán bộ y tế ở mọi cấp đều có thể xử trí.

Bác sĩ Cơ đánh giá khâu tổ chức tiêm chủng của chúng ta bài bản, mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người tiêm nên quy trình có sự khác biệt so với các quốc gia trên thế giới. Đó là khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm; tổ chức buổi tiêm an toàn; người tiêm được theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, sau đó, tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ.

Đặc biệt, 3 tuần sau khi tiêm, họ vẫn được theo dõi sức khỏe. Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Theo Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, hiện nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện quyết liệt đồng thời tất cả biện pháp trong chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Vì vậy, ông khẳng định ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được các phản ứng, tai biến sau tiêm vaccine Covid-19.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật