Khỉ Sơn Trà dính bẫy, chân đứt lìa: Dân mạng rần rần chuyện cứu hộ bằng súng gây mê

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những hình ảnh nhói lòng về “bàn chân” trái của chú khỉ tại Sơn Trà (Đà Nẵng) bị đứt lìa vì bẫy và kéo dài nhiều ngày khiến dân mạng rần rần bàn tán về giải pháp cứu hộ, nhất là sử dụng súng bắn thuốc mê.
Khỉ Sơn Trà dính bẫy, chân đứt lìa: Dân mạng rần rần chuyện cứu hộ bằng súng gây mê
Khỉ ở Sơn Trà tràn xuống đường và xảy ra nhiều tai nạn nên dân mạng đề nghị lập trạm cứu hộ động vật

Hôm qua, cư dân mạng tại Đà Nẵng lần nữa phẫn nộ trước nạn săn bắt động vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà khi tài khoản Facebook Thanh Ngọc Trúc cập nhật thông tin và hình ảnh về chú khỉ bị dính bẫy kẹp trước đó 1 tuần.

“Khoảng cách tiếp cận không thuận lợi cho việc dùng vợt hay quăng lưới nên việc cứu cá thể khỉ rất khó khăn. Do vết thương lâu ngày đã hoại tử, vì vậy khi tiếp xúc được chiếc bẫy thì bàn chân bị đứt khỏi cùng chiếc bẫy. Trong khoảnh khắc, theo bản năng, cá thể khỉ vùng chạy, trèo lên cây nên chúng tôi không thể đưa về bệnh viện tiếp tục cứu chữa”, tài khoản này viết.

Ngọc Trúc cho biết thêm trong thời gian làm công tác cứu hộ, nhận thấy tuy Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên nhưng cơ quan chức năng (cụ thể là Hạt kiểm lâm Sơn Trà) chưa được trang bị tốt về trang thiết bị trong công tác cứu hộ. Không có thêm phương tiện gì ngoài cái vợt, lưới, chuồng…

“Chúng tôi xin kiến nghị các cơ quan chức năng cần được hỗ trợ thêm thiết bị, như súng bắn thuốc mê, dụng cụ dành riêng cho lực lượng chuyên trách dùng cho động vật hoang dã bị thương cần được cứu chữa…”, tài khoản này viết.

Xem Video: Khỉ Sơn Trà dính bẫy đứt lìa chân: Cần có ngay súng gây mê để cứu khỉ

//

Bức ảnh bàn chân trái của chú khỉ mặt đỏ bị đứt lìa cùng với chiếc bẫy kẹp được đăng tải đã khiến cư dân mạng phẫn nộ trước nạn săn bắt động vật hoang dã. Nhiều người cũng đồng quan điểm về việc cần phải sử dụng bắn thuốc mê để kịp thời tiếp cận, cứu hộ cá thể động vật mắc bẫy.

Khó lập trạm cứu hộ động vật?

Chuyên gia bảo tồn thiên nhiên Bùi Văn Tuấn cho biết phương pháp bắn thuốc mê được sử dụng nhiều trong công tác cứu hộ động vật hoang dã mà không gây ảnh hưởng gì môi trường tự nhiên.

“Vấn đề là bắn thuốc mê phải tùy theo loài. Chẳng hạn, với voọc chà vá chân nâu là loài nguy cấp thì phải có quy trình, phải xin cơ chế... Còn lại những loài không nguy cấp như khỉ vàng, khỉ mặt đỏ… thì việc bắn thuốc mê là bình thường và rất tốt cho cứu hộ”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, khi bắn thuốc mê cần phải có đội ngũ bác sĩ thú y, đội cứu hộ để xử lý ngay tại chỗ, đảm bảo an toàn không cho động vật rơi xuống chết...

Cũng theo ông Tuấn, riêng ở Sơn Trà đã có hiện trạng khỉ tràn ra đường bị chết do tai nạn, chết do bị điện giật, khỉ tự tấn công nhau... nên cần có một trạm cứu hộ tại chỗ; có thể giao cho Hạt kiểm lâm Sơn Trà hoặc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà quản lý. “Khi có các trạm cứu hộ sẽ có một đội chuyên đi cứu hộ, được tập huấn để sử dụng súng bắn thuốc mê… Phải có một quy trình như thế chứ không phải muốn là trao cây súng cho người ta đi bắn thuốc mê được”, ông Tuấn nói.

Ông Trần Viết Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, cho biết khi nhận thông tin khỉ mắc bẫy, lực lượng chức năng tham gia bắt để cứu chữa nhưng thường khỉ lẩn tránh nên không thể tiếp cận.

Với đề xuất sử dụng súng bắn thuốc mê để cứu hộ, ông Phương cho biết nếu muốn thực hiện phải thuê người có chuyên môn và hiện tại ngành chưa được trang bị dụng cụ, chưa có quy định về vấn đề này… Về việc có nên lập trạm cứu hộ động vật hoang dã, ông Phương cho biết: “Gần đây, tại Safari Hội An có đội cứu hộ. Sở cũng đang phối hợp với các đơn vị này chứ không nhất thiết phải lập trung tâm cứu hộ. Thỉnh thoảng mới có chuyện như thế chứ không nhiều”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật