Hà Nội: Cô giáo mầm non “hô biến” giấy báo cũ thành tranh xé dán

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tận dụng những tờ báo, tờ rơi, tạp chí đã cũ, chị Nguyễn Thị Kim Hồng (SN 1986) đang là giáo viên trường mầm non Montessori Hà Nội đã khéo léo dùng các mảnh vụn để ghép nối thành những bức tranh sống động.
Hà Nội: Cô giáo mầm non “hô biến” giấy báo cũ thành tranh xé dán
Những mẩu giấy báo, tạp chí được chị Hồng lưu giữ để ghép tranh. Ảnh: Lan Nhi

Phụ trách công tác giáo dục mầm non, chị Nguyễn Thị Kim Hồng thường có thói quen lưu giữ lại những món đồ đã sử dụng hết để biến tấu và sáng tạo thành những vật dụng mới.

Riêng với những quyển báo, tạp chí cũ, chị thường ngồi hàng giờ, tỉ mẩn cắt rời những hình ảnh, mảng màu sắc, phân loại theo các chủ đề quen thuộc để làm hình minh họa trong các giờ dạy học, cuốn hút nhiều em học sinh quan tâm.

Ghép nối hàng trăm mảnh vụn mới có thể hoàn thành xong một bức tranh, chị Hồng chia sẻ, trong thời gian nghỉ dạy vì dịch COVID-19 nên chị đã nảy ra ý tưởng tận dụng những sách báo, tạp chí cũ đã sưu tầm để xé dán thành tranh.

Tranh xé dán là một bộ môn tuy không mới, nhưng với sự kiên nhẫn và cách làm sáng tạo, chị Hồng đã làm thành những bức tranh với nhiều nội dung độc đáo như: Giấc mơ nai, mùa xuân của mẹ con gà mái mơ, bức tranh có tên hi vọng trong đợt lũ lụt lịch sử tại miền Trung...

Tác phẩm “mùa xuân của mẹ con gà mái mơ” được làm từ mẩu giấy vụn.

Theo chị Hồng, ngành học của chị là kinh tế nhưng chị rất thích nghệ thuật và luôn mơ ước được vẽ tranh. Thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, trường lớp tạm thời đóng cửa. Vì nhớ học sinh và công việc của mình nên chị đã nghĩ cách làm tranh từ giấy vụn để làm dụng cụ học tập, minh hoạ thơ ca cho các học sinh.

Chị làm tranh xé dán vì tình yêu đối với môi trường và sử dụng đồ tái chế. Thường thì sách, báo, tạp chí cũ khi sử dụng xong thường dễ bị vứt bỏ. Nếu tái sử dụng lại thì sẽ tạo ra được rất nhiều những vật dụng, tác phẩm đẹp đẽ với một hình thức mới.

Chị Hồng - giáo viên mần non tại Hà Nội làm tranh từ giấy vụn để làm dụng cụ học tập, minh hoạ thơ ca cho các học sinh.

Tranh xé dán tuy dễ làm nhưng theo chị Hồng người làm phải đòi hỏi tính kiên nhẫn và khéo léo rất cao. Người làm tranh thường phải tận dụng những mảng màu in sẵn có trên sách báo, tạp chí để ghép nối thành một bức tranh hoàn chỉnh.

Những bức tranh của chị chủ yếu lấy cảm hứng từ trí tưởng tượng từ nhiều cuốn sách chị đọc hay trong cuộc sống thường nhật.

Những bức tranh rất sáng tạo của chị Hồng.

“Nếu là tranh vẽ thông thường, bạn cần màu gì thì có thể pha màu theo ý mình. Tranh xé dán thì phải chọn màu phù hợp trong đống giấy có sẵn nên rất mất thời gian. Để làm được phần đuôi và chùm lông trên cổ của chú gà trong bức tranh, mình phải thử hàng trăm mẩu giấy có màu sắc khác nhau.

Đôi khi chỉ dám chấm một lượng nhỏ keo và dán thử nhiều mảng nhỏ. Khi đã ưng ý với một mảng lớn, tôi mới bắt đầu dán cố định, tránh việc làm hỏng tranh” - chị Hồng tâm sự.

Những mẩu giấy ghép nối tạo thành chú gà con.

Tùy vào độ phức tạp của chi tiết, mỗi bức tranh chị phải mất tối thiểu 40-60 giờ liên tục mới có thể hoàn thành. Không có những thông điệp cao siêu, chị Hồng chỉ muốn gửi gắm tới các em học sinh, những người thân xung quanh trong thời gian nghỉ dịch COVID-19 rằng, mỗi người hoàn toàn có thể tìm thấy hạnh phúc từ những điều giản dị xung quanh. Chỉ cần có đủ tình yêu và sự nhẫn nại thì cuộc sống sẽ có thêm rất nhiều màu sắc tươi đẹp và ý nghĩa.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật