Bộ sưu tập bia đá Chăm cổ hoành tráng giữa Hà Nội

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội là nơi lưu giữ một bộ sưu tập bia đá Chăm cổ đồ sộ. Đây vừa là nguồn tư liệu quan trọng về lịch sử và chữ viết của vương quốc Chăm Pa, vừa mang những giá trị đặc sắc về nghệ thuật điêu khắc đá của người Chăm xưa.
Bộ sưu tập bia đá Chăm cổ hoành tráng giữa Hà Nội
Ảnh minh họa

Bia đá Chăm cổ nổi bật nhất trong bộ sưu tập là bia Võ Cạnh, đã được công nhận là báu vật quốc gia Việt Nam. Bia có niên đại khoàng thế kỷ 3-4, là văn bia cổ nhất của người Chăm, được phát hiện tại làng Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang, tỉnh Khánh hòa. Nội dung bia ghi lại việc dâng cúng của vị vua sáng lập vương quốc Chăm Pa.

Bia Nhan Biểu dựng năm 833 Saka (tức năm 911) ở Nhan Biểu, tỉnh Quảng Trị. Bia ghi lại việc quan lại địa phương và trưởng nam Sukrti Poklun Darapatha đã cung tiến vào ngôi đền thờ hần Siva trong làng Kumuel cùng đất đai quanh đền vào năm 830 Saka và xây dựng nhà tu Phật giáo tại làng Sikir

Bia Hóa Quê được dựng năm 831 Saka (năm 909) ở Hóa Quê, Đà Nẵng. Bia ghi việc phong tước vị cho ba anh em của nhà vua Bhadravarman II và ghi việc cung tiến những pho tượng vào đền thờ thần trong các năm 820, 829 và 830 Saka.

Bia Mỹ Sơn I được dựng khoảng năm 846 Saka (năm 918) trước đền Mỹ Sơn A1 ở thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Bia ghi việc vua Bhadravarman xây dựng ngôi đền lớn và cung tiến tất cả đất đai cùng thần dân quanh đền cho thần Bhadresvarasvamin.

Bia Mỹ Sơn II được dựng năm 1002 Saka (năm 1080) tại thánh địa Mỹ Sơn, ghi công lao phục hồi các công trình tôn giáo và đô thị sau chiến tranh cùng việc cung tiến cho thần Srisannabhadresvana của vua Harivarman.

Bia Mỹ Sơn III có niên đại từ thế kỷ 11, được dựng tại thánh địa Mỹ Sơn, ghi công lao của vua Harivarman và công việc xây dựng đền thờ cùng những bức tượng để biểu thị lòng tôn kính thần Srisannabhadresvana.

Cột đá có niên đại từ thế kỷ 12, được dựng ở thánh địa Mỹ Sơn, khắc minh văn ca ngợi vua Jaya Indravarman xây dựng lại đền thờ Srisara Bhadresvara cùng các tượng thần vào năm 1085 - 1092.

Bia Bàn Lãnh được dựng năm 820 Saka (năm 898), được tìm thấy ở xã Bàn Lãnh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Bia ghi công lao nhà vua Jaya Sinhavarman đã ra lệnh miễn trừ mọi thuế khóa và quy định việc bảo vệ hai ngôi đền thờ ở địa phương.

Bia An Thái dựng năm 824 Saka (năm 902) ở An Thái, tỉnh Quảng Nam. Bia ghi sự tích tạo dựng một tượng thần Lokanatha trong tu viện do nhà vua Bhadravarman II thành lập.

Bia Vĩnh Thuận được dựng năm 723 Saka (năm 801) ở Vĩnh Thuận, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận. Bia ghi việc nhà vua Indravarman xây dựng ngôi đền Indraparavesvara trên vị trí cung điện Satyavarman để thờ phụng.

Bia Po Nagar được dựng vào khoảng năm 703 - 706 Saka (năm 781 - 784) ở đền Pa Nagar, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Bia ghi việc vua Satyavarman cho dựng một Linga thờ thần Siva và lập cháu mình lên làm vua Vikrantavarman.

Bia Mỹ Sơn được dựng năm 653 Saka (năm 731) tại thánh địa Mỹ Sơn. Bia ghi lại việc vua Sambhuvarman dựng một bàn thờ bằng gạch thờ nữ thần Laksmi (Vedi), bàn thờ được ốp đá và dát bạc thời vua Naravahavarman và được vua Vikrantavarman I trùng tu năm 653 Saka.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật