Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng KHCN

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những năm qua, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp đã được tỉnh quan tâm, ngày càng đầu tư bài bản, chuyên sâu hơn.
Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng KHCN
Sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ được chế biến sâu nhờ ứng dụng KHCN.

Điều này không chỉ tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng các sản phẩm, mà còn từng bước thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Khoảng thời gian trước năm 2008, khi cây trà hoa vàng bỗng nhiên được thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt, bà con đổ xô vào rừng vặt lá, bẻ hoa, thậm chí đào cả cây đem bán, khiến anh Nịnh Văn Trắng (thôn Khe Sa, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) không khỏi chạnh lòng. Anh Trắng bảo: Hồi đấy tôi chỉ lo giống cây mình biết, mình gắn bó từ bé, vốn mọc dại dưới tán rừng Ba Chẽ cạn kiệt thôi, nên tôi đã thu mua lại cây con, cây giống trong dân về trồng để giữ gìn, chứ chưa biết sẽ phát triển như thế nào.

Sau đấy, khi cây trà hoa vàng được nghiên cứu, làm rõ các giá trị dược liệu, được huyện xác định là một trong những giống cây làm giàu của địa phương, thì tôi bắt đầu tìm hiểu để phát triển. Thời gian đầu, không có kinh nghiệm, cây cứ chết dần, tỉ lệ sống chỉ được 50%. Số cây sống được thì năng suất cũng không cao, khi thu hoạch hoa đem phơi hoàn toàn thủ công, khả năng bảo quản sản phẩm kém.

Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của huyện Ba Chẽ, năm 2014, anh Trắng mạnh dạn đứng ra thành lập Công ty Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, bắt đầu đầu tư máy móc, thiết bị KHCN để chế biến sâu trà hoa vàng theo hướng thành phẩm chất lượng cao bằng phương pháp sấy lạnh, hút chân không; đồng thời đăng kí nhãn hiệu, nhãn mác, mã vạch cho sản phẩm này.

Hiện 1kg trà khô từ cây trà hoa vàng loại tốt có giá 14-15 triệu đồng; loại bình thường trên 10 triệu đồng. Từ trồng và chế biến, tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng, hằng năm anh Trắng thu được hàng tỷ đồng. Và trên hết, sản phẩm trà hoa vàng được chế biến sâu nhờ ứng dụng KHCN như hoa trà khô, lá trà khô, trà túi nhúng… đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng 5 sao, là một trong những thương hiệu có tiếng của nông sản Quảng Ninh.

Cũng giống như sản phẩm trà hoa vàng, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất đã nâng cao giá trị của con tôm. Nếu như trước kia, tôm thẻ chân trắng chủ yếu được nuôi theo hình thức quảng canh, cho năng suất hạn chế, lại hay gặp các vấn đề về dịch bệnh, tỷ lệ sống, ảnh hưởng đến sản lượng, thì nay với việc ứng dụng công nghệ BioSipec (nuôi tôm 2 đến 3 giai đoạn), sử dụng chế phẩm sinh học BioFloc trên ao nổi, năng suất, giá trị con tôm của Quảng Ninh đã và đang tăng lên vượt trội.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng KHCN của anh Bùi Công Nam (phường Hà An, TX Quảng Yên).

Anh Bùi Công Nam (phường Hà An, TX Quảng Yên) là một trong những hộ thành công nhờ ứng dụng KHCN vào nuôi tôm, chia sẻ: Tôi sử dụng công nghệ BioSipec trong phát triển nghề nuôi tôm. Công nghệ này đòi hỏi phải xây dựng hệ thống xử lý nước để tăng cường an toàn sinh học và ngăn ngừa dịch bệnh; hệ thống sục khí, cho ăn tự động... Cùng với đó, tôi đã ứng dụng chế phẩm sinh học semi BioFloc - một loại hạt phức hợp đa dạng của vi khuẩn, tảo, mùn xác hữu cơ, động vật phù du, giun nhỏ... có giá trị dinh dưỡng cao làm thức ăn cho tôm, đã giúp giảm tới 30% lượng thức ăn trong ao nuôi, duy trì chất lượng môi trường nước tốt, đảm bảo cho tôm sinh sống, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.

Dù đầu tư ban đầu trung bình cho 1ha nuôi theo công nghệ cao sẽ gấp khoảng 4 lần hình thức nuôi quảng canh thông thường, nhưng lại cho hiệu quả vượt trội và lâu dài. Tỷ lệ tôm sống cao hơn, luôn đạt trên 80%; sản lượng cũng tăng nhiều, khoảng 30 tấn/ha/vụ, gấp đôi so với nuôi thường; số vụ mỗi năm cũng nhiều hơn. Đặc biệt, dịch bệnh trên con tôm dễ được kiểm soát và hạn chế sự lây lan, giúp giảm thiểu tối đa rủi ro cho người chăn nuôi.

Được biết từ năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về phát triển KHCN, trong đó có mục tiêu về thành lập các khu nông nghiệp công nghệ cao và xác định dành 5,3% tổng chi ngân sách thường xuyên, 2,8% GRDP, tương đương khoảng 600-800 tỷ đồng mỗi năm cho KHCN, trong đó có nông nghiệp.

Hệ thống máy móc hiện đại được sử dụng tại Dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao của Tập đoàn Việt - Úc tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà.

Cùng với đó là những chính sách khuyến khích như: Đầu tư liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với cơ chế hỗ trợ đến 70% lãi suất đầu tư sản xuất trong 5-8 năm; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ hạ tầng đến chân hàng rào; hỗ trợ về mặt bằng, lãi suất, thủ tục hành chính… cho những đơn vị đầu tư KHCN tiên tiến vào sản xuất, được tỉnh triển khai thời gian qua đã tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tích cực đầu tư ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh đã có hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ứng dụng KHCN có giá trị 150-300 triệu đồng/ha/năm canh tác, nhiều mô hình được nâng tầm thành các trang trại, gia trại, doanh nghiệp, như: Mô hình dưa lưới, cây có múi của nông dân Đông Triều; mô hình hoa lan, hoa tươi tổng hợp của nông dân Hạ Long; các mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn của nông dân Uông Bí, Hạ Long, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái...

Tỉnh cũng đã có hơn 400 nông sản là sản phẩm OCOP, trong đó trên 200 sản phẩm được gắn sao. Tất cả đều là những sản phẩm nông nghiệp được thành hình nhờ ứng dụng KHCN, tạo nên chất lượng và giá trị vượt trội…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật