Hớn Quản có gì để “cò đất” đổ về tạo sóng?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cơn sốt đất chóng vánh diễn ra trong khoảng 5 ngày ở huyện Hớn Quản (Bình Phước) khiến giới đầu tư bất động sản đặt dấu hỏi về sức hút của vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Hớn Quản có gì để “cò đất” đổ về tạo sóng?
Là một huyện thuần nông thuộc tỉnh Bình Phước, huyện Hớn Quản được tái thành lập vào tháng 8/2009 trên cơ sở một phần của huyện Bình Long trước đây với quy mô khoảng 664 km2, gồm 1 thị trấn

Xem Video: “Cò” đất tung hoành tạo "sóng", giá đất tăng 100% tại Quảng Bình

Huyện Hớn Quản nằm trên quốc lộ 13, cách TP Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước khoảng 45 km và cách trung tâm TP.HCM khoảng 100 km. Với hạ tầng giao thông hiện hữu, từ huyện Hớn Quản có thể di chuyển đến Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long một cách thuận lợi.

Giữa tháng 2 vừa qua, tỉnh Bình Phước đã đề xuất với Thủ tướng cho phép mở rộng sân bay Téc Ních, thuộc huyện Hớn Quản thành sân bay lưỡng dụng theo hình thức PPP. Sân bay Téc Ních được Pháp xây dựng với mục đích làm sân bay dân sự, phục vụ phát triển các đồn điền cao su. Hiện, sân bay này chỉ còn sót lại một vài đoạn đường băng và do quân đội quản lý.

Sau khi đoàn công tác của Tỉnh ủy Bình Phước đi khảo sát khu vực sân bay Téc Ních, các "cò", giới đầu cơ đất trong và ngoài tỉnh đã lợi dụng thông tin này để đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần. Chủ một mảnh đất rộng 3 ha nằm gần sân bay Téc Ních cho biết trị giá lô đất này trước đây chỉ tầm 1-2 tỷ, nhưng khi cơn sốt lan đến, nhiều "cò" chào giá mua lên đến 6-7 tỷ đồng lúc đỉnh điểm.

Trong tuần qua, tại 2 xã An Khương và Tân Lợi, hàng trăm ôtô từ nhiều địa phương khác đổ về xem đất, chèo kéo người dân bán đất.

Hàng chục biển quảng cáo" mua bán, tư vấn đất sân bay Téc Ních, bán đất sân bay giá rẻ...", được dựng lên khắp tuyến đường liên xã An Khương và Tân Lợi.

Trong ngày 27/2, mặc dù đã được cơ quan chức năng đến ổn định an ninh trật tự trong nhiều ngày, các môi giới vẫn tập trung về khu vực vòng xoay ngã 6 trước Khu du lịch thác số 4 và trục đường hướng về xã An Khương. Các con đường trong xã kẹt cứng với những chiếc xe hơi biển số từ Hà Nội, Ninh Bình, Bình Dương, TP.HCM....

Không khó thấy cảnh những nhóm môi giới ngồi ngay bên lề đường để đón khách đến đầu tư, xem đất. Chỉ trong vài ngày, giá đất tại đây bị thổi lên cao gấp 10-15 lần so với thời điểm trước đó. Bà Huệ sống ở xã Tân Lợi cho biết: ’Trước có thông tin về việc mở rộng sân bay Téc Ních, đất mặt đường ở đây chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/mét ngang. Tuy nhiên, đến nay giá đất đã bị đẩy lên cao gấp 15-20 lần, lên đến 100-300 triệu đồng/mét ngang".

Sau 3 ngày bị lực lượng chức năng đến yêu cầu giải tán tập trung đông người, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, không ít môi giới đã bỏ đi, số còn lại chia thành nhóm nhỏ để tìm khách ở nhiều điểm khác nhau quanh sân bay.

Đặc biệt, có những nhóm môi giới đã nhanh chóng thu mua đất trồng điều và cao su của người dân địa phương và chặt cây, san lấp để phân lô bán nền. Tuy nhiên, hoạt động này nhanh chóng được các cơ quan chức năng huyện Hớn Quản ngăn chặn và tuyên truyền kịp thời đến người dân. Việc "sốt đất" diễn ra trên địa bàn huyện được đánh giá là có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế của người dân địa phương.

Là huyện thuần nông, song mục tiêu mà Hớn Quản hướng đến đó là đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Hớn Quản đề ra chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,6%, thu ngân sách đến 2025 đạt 335 tỷ đồng.

Hiện nay, ở Hớn Quản có khoảng 212 doanh nghiệp hoạt động, tập trung các ngành: Chế biến gỗ, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản...

Sản xuất công nghiệp tại huyện Hớn Quản đang có những bước phát triển ban đầu với một số ngành như sản xuất gỗ, gạch. Địa phương đã quy hoạch được 5 cụm công nghiệp với diện tích 100 ha, 3 khu công nghiệp với diện tích hơn 400 ha.

Bên cạnh đó, nghề nuôi chim yến cũng đang dần trở nên phổ biến tại khu vực Hớn Quản nhờ hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình có vốn đã đưa nghề nuôi chim yến trở thành kinh tế chủ lực.

Tuy nhiên, tại huyện Hơn Quản có khoảng 24.000 người thuộc các dân tộc thiểu số với đời sống kinh tế còn khá khó khăn. Riêng tại xã An Khương có đến hơn 62% người dân thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chính vì vậy, khi "sốt đất" diễn ra trên địa bàn, chính quyền địa phương đã gấp rút tuyên truyền người dân không để các "cò đất" xúi giục bán đất, dẫn đến không còn đất sản xuất, có nguy cơ đói nghèo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật