Chứng khoán tuần: VN-Index có hòa nhịp điều chỉnh toàn cầu?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tuần qua VN-Index có giảm, nhưng thực tế cũng không tệ. Chỉ số chỉ có duy nhất 1 phiên rơi mạnh 15,6 điểm hôm thứ Tư, cả 4 phiên còn lại đều tăng. Tính chung cả tuần, VN-Index để mất hơn 5 điểm, tương đương 0,4%.
Chứng khoán tuần: VN-Index có hòa nhịp điều chỉnh toàn cầu?
Ảnh minh họa

Nếu nhìn từ diễn biến VN-Index tuần qua tiến sát đỉnh cao lịch sử (khoảng cách hẹp nhất là 15 điểm) và VN30-Index chạm đỉnh lịch sử, thì mức điều chỉnh nói trên là rất nhẹ. Thị trường gần như mới chỉ lùi lại, chứ chưa phải là quay đầu giảm và mất đi cơ hội kiểm định đỉnh lần nữa.

Tuy vậy thị trường vẫn phát đi các tín hiệu kém tích cực ở giữa thời điểm rất nhạ‌y cả‌m này. Đầu tiên là có nhiều cổ phiếu sụt giảm giá mạnh hơn nhiều so với chỉ số. Lấy ví dụ nhóm VN30 có 21/30 mã giảm giá, trong đó 18 mã giảm trên 1% tuần qua. Số tăng giá chỉ có 8 mã. Nhóm Midcap có 42/70 cổ phiếu giảm giá, 24/70 cổ phiếu tăng giá. Nhóm Smallcap có 89 cổ phiếu tăng giá và 76 cổ phiếu giảm giá.

Như vậy có thể thấy xu hướng chống cự lại diễn biến giảm và đi ngược dòng chủ đạo tập trung vào nhóm Smallcap, những cổ phiếu có tính đầu cơ cao, nhưng lại không có khả năng dẫn dắt thị trường chung.

Điều này sẽ đưa đến một hiệu ứng khá xấu, là chỉ số có thể lình xình, nhưng tùy cổ phiếu mà mức giảm giá sẽ lớn hơn. Đây cũng là giai đoạn rất khó quyết của nhà đầu tư vì thị trường được đánh giá từ góc độ chỉ số vẫn chưa có gì nguy hiểm – thậm chí vẫn có khả năng kiểm định đỉnh lịch sử - nhưng cổ phiếu mình nắm giữ có thể lại giảm nhiều hơn và tỏ ra rất yếu. VN-Index có thể được một vài cổ phiếu vốn hóa lớn luân phiên tăng các ngày khác nhau để duy trì độ cao.

Điểm thứ hai là thanh khoản có tăng lên khá tốt tuần qua, nhưng thị trường lại giằng co là chính chứ không tăng “bốc” một cách rõ ràng như ba phiên sau Tết. Rất nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sau Tết sẽ tăng bùng nổ để vượt đỉnh, nhưng diễn biến lại không như vậy. Thanh khoản tăng cao hơn, thị trường lình xình ở chỉ số, giá cổ phiếu giảm nhiều hơn tăng nghĩa là nhà đầu tư cầm cổ vẫn muốn chốt lời. Giá trị khớp lệnh trung bình tuần qua đã tăng 19% so với tuần trước Tết.

Điểm thứ ba là thời điểm hiện tại thị trường chứng khoán quốc tế có nguy cơ đạt đỉnh và điều chỉnh. Mặc dù tác động là không trực tiếp, nhưng ảnh hưởng tâm lý cần phải tính đến. Cũng giống như thị trường trong nước, chứng khoán thế giới tràn ngập tin tốt, từ gói kích cầu mới tới triển vọng khống chế dịch bệnh nhờ đợt tiêm chủng rộng hơn, nhưng các chỉ số lại sụt giảm đáng kể tuần qua: S&P500 giảm 2,4%, Nasdaq giảm 4,9%, DownJones 30 giảm 1,7%, DJI giảm 1,8%, FTSE giảm 2,1%, Nikkei 225 giảm 3,5%...

Chứng khoán quốc tế giảm mạnh được cho là do lợi suất trái phiếu chính phủ quay đầu tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu tăng phát tín hiệu lãi suất sẽ tăng, lạm phát tăng và có thể các quỹ đầu tư lớn sẽ phải cơ cấu lại nguồn vốn phân bổ. Đặc biệt là đã có nhiều phân tích lo ngại mức định giá quá cao của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây nên nguy cơ điều chỉnh càng rõ hơn.

Bình thường nếu chứng khoán Mỹ điều chỉnh ở mức độ kỹ thuật thì thị trường trong nước cũng không phản ứng nhiều. Tuy nhiên do lúc này không có bất kỳ thông tin gì mới trên thị trường trong nước nên nhà đầu tư có thể quan sát diễn biến quốc tế nhiều hơn. Hiện luồng thông tin trong nước được mong chờ nhất là kết quả kinh doanh quý 1/2021 thì phải chờ tới gần 1 tháng nữa mới xuất hiện. Đồng thời cùng với diễn biến lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, diễn biến lãi suất trong nước và tỷ lệ lạm phát cũng đang là mối quan tâm chính.

Diễn biến của VN-Index trên khung thời gian 1 giờ cho thấy chỉ số có thể đã hoàn thành nhịp 5 sóng tăng nhỏ đầu tiên trong chu kỳ tăng lớn hơn.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index cũng để mở khả năng điều chỉnh ngắn hạn trước khi tăng tiếp vượt đỉnh 1.200. Đa số nhà phân tích kỹ thuật đều đồng thuận rằng VN-Index đã đạt đỉnh của sóng tăng 3 theo lý thuyết sóng Elliott vào giữa tháng 1 vừa qua và kết thúc sóng điều chỉnh 4 vào cuối tháng 2. Hiện tại VN-Index đang hình thành sóng tăng thứ 5 và cũng là sóng cuối cùng.

Triển vọng của sóng tăng thứ 5 này có thể vượt qua đỉnh 1.200 điểm. Tuy vậy sóng 5 cũng có thể được kết cấu bằng 5 sóng nhỏ hơn. Chẳng hạn, nhịp tăng từ cuối tháng 2 đến nay có thể bao hồm 5 sóng nhỏ hoàn chỉnh (xem biểu đồ) và bắt đầu một sóng điều chỉnh để hoàn thành sóng điều chỉnh 2. Trong trường hợp kịch bản này xảy ra thì mức điều chỉnh lý thuyết sẽ đạt các ngưỡng thấp hơn nữa so với mức giảm tuần qua.

Tuy nhiên cũng có thể xảy ra kịch bản khác là VN-Index không điều chỉnh về cường độ như các tỷ lệ kỹ thuật mà điều chỉnh bằng thời gian. Nói đơn giản là thị trường không giảm sâu, nhưng đi ngang kéo dài để tích lũy.

Cuối cùng, cả hai khả năng đó sẽ bị phủ định nếu VN-Index nhanh chóng tăng vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm hoặc giảm sâu quá mức đáy cuối tháng 2 vừa qua. Chính vì việc phân tích kỹ thuật chỉ mang tính tương đối và phỏng đoán, nên mọi khả năng đều cần chuẩn bị những hành động ứng phó tương xứng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật