Phố Minh Khai nhà tôi đây: Đi về như trèo đèo lội suối, cát sỏi gập ghềnh thử thách các “tay phượt” tài ba

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chị Diệp Lan, nhân viên văn phòng, suýt không nhận ra đường vào ngõ phố Minh Khai nhà mình sau thời gian bị đào xới. Chị than thở, bụi và tắc đường khiến chị bất lực mỗi sáng sớm và chiều tối, về nhà tẩy trang chục lần không hết bụi cát, bụi xe, bụi công trường, da mặt lên mụn “ầm ầm“.
Phố Minh Khai nhà tôi đây: Đi về như trèo đèo lội suối, cát sỏi gập ghềnh thử thách các “tay phượt” tài ba
Đường Minh Khai 8h sáng 14/1/2021. Bức ảnh do tác giả Đoàn Bách chụp, khắc hoạ nỗi “ám ảnh kinh hoàng“ mỗi sáng đi làm, đi học của người dân sống xung quanh công trường vành đai 2 trên cao Vĩnh T

Những bức ảnh ngay lập tức thu hút sự quan tâm rất lớn của người dùng mạng xã hội, đặc biệt những cư dân vẫn ngày đêm "rồng rắn" qua đoạn đường ùn tắc này. Nhiều người dí dỏm, "những căn nhà tập thể, đường dây điện chằng chéo, đường sá... trông như thời bao cấp", "Đây là ảnh không khí người dân Hà Nội đi chợ Tết đầu những năm 2000 à?" (Ảnh: Đoàn Bách)

Dự án đường vành đai 2 trên cao trục Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở có tổng mức đầu tư 9.400 tỷ đồng, được thi công từ cuối năm 2017. Đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở có chiều dài 3,1km được khởi công vào tháng 4/2018 bao gồm tuyến đường bộ trên cao và mở rộng dưới thấp. Các hạng mục gồm cầu chính (bề mặt 19m), cầu dẫn (bề mặt 7m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, ngã tư Vọng và Ngã Tư Sở. Dự kiến đoạn tuyến dưới thấp có quy mô 8-10 làn xe, dải phân cách rộng 4m và vỉa hè rộng 4-6m mỗi bên. Tuy nhiên hiện nay, việc tiếp tục rào chắn, thu hẹp diện tích đường, tạm thời khiến tuyến đường Đại La - Minh Khai đến cầu Mai Động, Tam Trinh, Kim Ngưu trở thành "điểm đen" ùn tắc (Ảnh: Phương Thảo)

Đại công trường thu hẹp dần tuyến đường dành cho người dân, khiến việc lưu thông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các giờ cao điểm sáng-tối (Ảnh: Phương Thảo)

Tại nút ngã tư Vọng, các phương tiện ở đường Trường Chinh (8 làn xe) và đường trên cao (4 làn xe) đổ về nhanh, trong khi hướng đường Trường Chinh - Đại La hiện chỉ rộng đủ hai làn xe, gây nên khả năng lưu thoát xe kém (Ảnh: Phương Thảo)

Theo các chuyên gia, dù dự án mở rộng đường dưới thấp và xây dựng đường trên cao chưa hoàn thành, nhưng vài năm trở lại, rất nhiều khu đô thị mới với hàng chục tòa chung cư cao tầng đã được đưa vào sử dụng. Mật độ chung cư dày đặc, dân cư tập trung đông đúc đã đẩy tuyến đường này vào cảnh... càng mở rộng càng tắc (Ảnh: Phương Thảo)

Người dân cố gắng di chuyển mỗi sáng sớm, với nỗ lực rất cao mong được chấm công đúng giờ! Có người, thậm chí, đã dắt xe ra khỏi nhà từ 6h tờ mờ sáng (Ảnh: Phương Thảo)

Một số người khác tìm cách "rút ngắn khoảng cách" bằng cách lao lên vỉa hè. Tuy nhiên, nhiều đoạn vỉa hè hiện đang bị đào xới để thi công nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (Ảnh: Phương Thảo)

Chị Diệp Lan, nhân viên văn phòng, suýt không nhận ra đường vào ngõ nhà mình sau thời gian bị đào xới. Chị than thở, bụi và tắc đường khiến chị bất lực mỗi sáng sớm và chiều tối, về nhà tẩy trang chục lần không hết bụi cát, bụi xe, bụi công trường, da mặt lên mụn "ầm ầm". "Đường về nhà sao như trèo đèo lội suối, đường cát sỏi gập ghềnh như đi phượt trên núi. Đặc biệt là chiều tối, ùn tắc dã man tại các nút giao", chị nói (Ảnh: Minh Nhân)

Ngoài ra, theo chị Lan, đoạn đường nhỏ hiện đang thi công, các phương tiện lao từ nhiều phía đôi khi loạng choạng, dễ bị đổ ngã. "Hôm trước tầm 20h tối đã thấy cả dãy xe tải nối đuôi nhau, đường bé xe đông, mãi chưa về đến nhà. Gần Tết rồi, không biết có kịp xong không, chứ thế này ô tô khỏi vào các ngõ", chị Lan chia sẻ (Ảnh: Minh Nhân)

Chiếc xe ô tô "sai trái" khi lỡ đi vào đường Minh Khai giờ cao điểm 18h30 tối, dù có "quay đầu" cũng không được!... (Ảnh: Minh Nhân)

... Nhưng xe máy thì "quay đầu" được. Anh thanh niên gửi lời xin lỗi tới mọi người, xin phép được đi ngược chiều để tránh ùn tắc. Một số người xung quanh hét lớn, cố gắng nói vọng ra đằng sau khuyên các phương tiện đừng đi theo hướng này! (Ảnh: Minh Nhân)

Đường hẹp, người đông, phương tiện càng đông, khiến hai thanh niên trên con xe "siêu xế" Dream ngã xuống phần thi công công trình, được người dân giúp đỡ

Để tiết kiệm thời gian ùn tắc, bạn có rất nhiều sự lựa chọn: nghịch điện thoại, hoặc đọc sách,... Một số tài xế ô tô đã tranh thủ mở cửa xe, hút điếu thuốc, nhưng thuốc tàn rồi xe vẫn chưa thể lưu thông (Ảnh: Minh Nhân)

Chiếc xe cấp cứu gần như "bất lực" giữa dòng phương tiện mà xem ra phải mất gần một tiếng mới có thể di chuyển. Anh Khoa, sống trên phố Minh Khai nhìn nhận, do đang thi công đường trên cao nên người dân phải... chịu khó một thời gian, sau đó mọi thứ sẽ tốt dần lên. "Muốn có đường rộng, đẹp thì chấp nhận ùn tắc. Tôi nghĩ một năm nữa sẽ khác", anh nói (Ảnh: Minh Nhân)

Mọi người rất hay an ủi nhau, kiểu "Hãy nhìn đường Trường Chinh hôm nay mà mỉm cười đi tiếp thôi!", "Khổ trước sướng sau...". Anh Công Khánh an ủi, "Có tắc thì hy vọng khi hoàn thành, con đường sẽ trở nên thông thoáng hơn rất nhiều. Phố Minh Khai nhà tôi, mỗi ngày đi làm một kiểu, cứ phải lần mò tìm đường để về nhà" (Ảnh: Minh Nhân)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật