Khẳng định vai trò của chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với đại dịch COVID-19

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 3/12, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 Volkan Bozkir đã lên tiếng kêu gọi vai trò lãnh đạo của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với đại dịch COVID-19 – vốn được ông coi là một thách thức nghiêm trọng nhất mà thế giới đang phải đối mặt.
Khẳng định vai trò của chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với đại dịch COVID-19
Ông Volkan Bozkir phát biểu trong phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, ngày 3/12/2020. (Ảnh: Xinhua)

Đại dịch COVID-19 – một “liều thuốc thử” đối với chủ nghĩa đa phương

Phát biểu trong phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, ông Bozkir nói: “Hội trường này là nơi các quốc gia xích lại gần nhau và tỏ rõ tinh thần đoàn kết. Cơ quan mạnh mẽ này – Đại Hội đồng Liên hợp quốc là tiếng nói, ý chí và lương tri của nhân loại. Thế giới đang trông chờ Liên hợp quốc thể hiện vai trò lãnh đạo và hành động để giải quyết một thách thức lớn nhất đang gặp phải”.

Theo ông Bozkir, cuộc khủng hoảng gây ra bởi COVID-19 đã buộc chúng ta phải thay đổi cách thức hành động. Chúng ta cần mạnh dạn và khôi phục lòng tin vào Liên hợp quốc. “Bởi không một thể chế nào khác có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được ủy quyền hoặc có vị trí chuẩn mực hơn tổ chức đa phương này. Liên hợp quốc phải đóng vai trò dẫn dắt … Cùng với những thông tin về các ứng cử viên vaccine chống COVID-19 đang được phê duyệt và hàng nghìn tỷ USD mà chúng ta đã đổ vào các nỗ lực phục hồi toàn cầu, cộng đồng thế giới đang đứng trước một cơ hội duy nhất để thực hiện điều này…Thế giới đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo của Liên hợp quốc. Đây là một phép thử cho chủ nghĩa đa phương” – nhà lãnh đạo này khẳng định.

Khi thị trường tài chính sụp đổ và thế giới đối mặt với cuộc đại khủng hoảng cuối cùng vào năm 2008, các cường quốc đã cùng nhau nỗ lực để khôi phục nền kinh tế toàn cầu, nhưng đại dịch COVID-19 cho thấy một phản ứng ngược lại, đó là: không có vai trò lãnh đạo, chúng ta cũng sẽ không có hành động thống nhất để ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang càn quét mọi ngõ ngách của trái đất.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 cho rằng, giờ không phải lúc để “chỉ tay năm ngón” mà chính là lúc để chúng ta hành động tập thể, nhằm chấm dứt những nỗi khổ mà mọi người trên thế giới đang phải chịu đựng. Qua đó, ông Bozkir kêu gọi một “phản ứng toàn cầu” trước đại dịch COVID-19 và phản ứng này thậm chí còn phải vượt xa phạm vi cả những nỗ lực chỉ hướng tới một mục tiêu đơn giản là quay trở lại nguyên trạng ban đầu.

Trên tất cả, ông Bozkir kêu gọi tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người trên thế giới, xem đây là điều đúng đắn và khôn ngoan mà chúng ta cần thực hiện.

Ông Bozkir nói: “Xét từ quan điểm đạo đức, chúng ta có nghĩa vụ không để ai bị bỏ lại phía sau và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Còn xét theo quan điểm thực tế, thì giá trị của bất kỳ loại vaccine nào cũng hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng người có thể được sử dụng. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường huy động chính trị và nguồn lực cho các sáng kiến đa phương nhằm hướng tới việc phân phối vaccine chống COVID-19 một cách công bằng và bình đẳng”. Từ những lập luận trên, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc kêu gọi những nỗ lực bảo vệ những quốc gia dễ bị tổn thương nhất vốn đang bị tụt hậu, trong đó đáng chú ý là các quốc gia kém phát triển nhất, các quốc gia phát triển không giáp biển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.

Khắc phục hậu quả của COVID-19 cùng với đầu tư cho SDGs

“Chúng ta phải bảo đảm có đủ nguồn lực tài chính để đạt được mục tiêu phục hồi toàn diện và bền bỉ. Chúng ta cần hợp lực để giải quyết những thách thức liên quan tới đặc tính dễ bị tổn thương do các khoản nợ gây ra và không gian tài chính bị thu hẹp. Tôi khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế và các nước đối tác hành động trong phạm vi có thể nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần, thúc đẩy đầu tư và tạo đòn bẩy hỗ trợ phát triển trong giai đoạn quan trọng này. Nếu cần thiết, chúng ta còn phải tổng hợp các nguồn lực tài chính để tạo quỹ đầu tư” – Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 khẳng định.

Ông Bozkir chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã tô đậm sự cần thiết của các hoạt động tăng cường đầu tư cho các dịch vụ y tế và xã hội trên thế giới. Ngoài việc khắc phục ngay lập tức các hậu quả từ đại dịch COVID-19, chúng ta cũng cần hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), bởi việc đầu tư cho SDGs không chỉ đóng vai trò là một phương thức mà còn nhằm bổ trợ cho quá trình phục hồi sau đại dịch.

Cũng trong lời phát biểu cùng ngày, ông Bozkir nhấn mạnh, các chính sách chống đại dịch cần được triển khai theo phương thức không làm suy yếu các thể chế dân chủ. “Phản ứng của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng này cần được định hình dựa trên nguyên tắc và đề cao nhân quyền.  Trên thực tế, việc thúc đẩy quản trị tốt, tôn trọng pháp quyền và phân bổ nguồn lực cho những người dễ bị tổn thương nhất sẽ hỗ trợ cách thức mà chúng ta ứng phó với đại dịch, bằng cách khiến cho xã hội của chúng ta trở nên kiên cường và bình đẳng hơn” – ông Bozkir nói.

Theo quan điểm của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 thì thế giới đang ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế - xã hội lớn nhất kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập. Nếu chúng ta lên kế hoạch và phối hợp một cách hợp lý, thì sự phục hồi từ COVID-19 có tiềm năng trở thành bước đệm để tái khởi động mục tiêu hiện thực hóa SDGs, thúc đẩy hành động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế cũng như bảo vệ môi trường được tốt hơn.

“Khi Liên hợp quốc được thành lập vào năm 1945, những người theo chủ nghĩa hoài nghi đã cho rằng, ý tưởng về một hệ thống đa phương, với một tổ chức có tính hợp pháp tối ưu đóng vai trò cốt lõi là điều không thể. Nhưng ngay cả những thời khắc chúng ta phải đối mặt với những thảm kịch không thể tưởng tượng nổi như chiến tranh thế giới thì thế giới đã xích lại gần nhau – vì lợi ích của nhân loại… Và tôi tin rằng, chúng ta có thể lặp lại hành động này thêm một lần nữa” – ông Bozkir bày tỏ 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật