“Điểm tựa” của người dân vùng lũ

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào tháng 10-2020 đã khiến hàng chục hộ gia đình ở xã biên giới Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị mất hết nhà cửa, tài sản. Trắng tay sau lũ, người dân ở đây vẫn biết ơn ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt và chính quyền địa phương vì đã “bắt” họ đi sơ tán trước khi lũ tràn về. Họ xót thương khi ông Sinh bị thương nặng trong lúc cứu dân.
“Điểm tựa” của người dân vùng lũ
Ông Hồ Văn Sinh đang được điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Viết Lam

                     Xem Video: Lũ ở Quảng Trị vượt qua mốc lịch sử, nhiều xã, phường bị ngập sâu
                   


Hiện nay, chính quyền địa phương, các đơn vị vũ trang đang tập trung nguồn lực, hỗ trợ nhân dân xã biên giới Hướng Việt khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng với sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, phải mất rất nhiều thời gian nữa hậu quả của mưa lũ mới được khắc phục.

Thôn Xà Đừng, xã Hướng Việt, nơi định cư của 120 hộ dân đồng bào dân tộc Pa Cô, nằm dưới chân núi Ka Lóc vốn có cuộc sống no đủ, ấm êm. Thế nhưng trận lũ đã lấy đi của người dân nơi đây nhà cửa, tài sản. Cuộc sống người dân trong thôn đang gặp muôn vàn khó khăn, thách thức.

Gia đình ông Hồ Văn Thụy, thôn Xà Đừng, xã Hướng Việt là một trong số rất nhiều hộ dân bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản. Hiện ông cùng vợ và các con đang chuẩn bị tìm địa điểm làm lại nhà mới. Nét mặt buồn pha lẫn hy vọng, ông chia sẻ: “Dù mất hết tài sản nhưng gia đình tôi và người dân trong thôn vẫn thấy mình còn may mắn khi được ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã và chính quyền địa phương kiên quyết “bắt” đi sơ sơ tán trước khi lũ tràn về. Nếu không nghe lời họ có lẽ hàng trăm người dân trong thôn chúng tôi đã chết hết.”

Theo ông Thụy kể lại, những ngày giữa tháng 10, biên giới Hướng Việt có mưa liên tục, ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cùng mấy cán bộ nữa đến vận động nhân dân trong bản Xà Đừng chuyển sang trường học trú tạm đề phòng lũ về trong đêm. Ban đầu, ông Thụy và nhiều người dân không chịu đi vì nghĩ rằng mấy chục năm ở đây rồi, có bao giờ thấy lũ đâu.

“Nhưng ông Sinh cứ nói mãi, còn dọa không “nhìn mặt” nữa nên cả gia đình mới chịu sơ tán. Đêm khuya hôm ấy, nằm trong trường học bỗng nghe những tiếng nổ liên tục phát ra từ đỉnh núi Ka Lóc phía sau thôn, đất đá ập xuống, nước đổ về, chỉ trong chốc lát đã vùi lấp, cuốn trôi hết nhà cửa. Cảnh tượng thật khủng khiếp. Chúng tôi thật may mắn, nhờ sự kiên quyết của “ông chủ tịch xã” mới thoát nạn.” - Ông Thụy khẳng định.

Người dân địa phương cho biết, Hồ Văn Sinh là người con ưu tú của đồng bào Pa Cô ở vùng đất biên giới còn nhiều khó khăn này. Từ khi còn là một thanh niên, anh đã luôn nỗ lực học hỏi đưa cái mới, cái tiến bộ về với dân bản. Nhờ sự nhiệt huyết cống hiến cho nhân dân, anh được chỉ định làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hướng Việt. Trên cương vị mới, Hồ Văn Sinh có điều kiện và không ngừng học tập, hoàn thiện mình.

Rồi anh được nhân dân, cấp trên tín nhiệm bầu giữ các chức vụ khác nhau tại địa phương. Cho đến tháng 7-2020, khi đã bước sang tuổi 51, Hồ Văn Sinh mới chính thức giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Hướng Việt. Ở vị trí công tác nào, ông cũng luôn sâu sát, lo lắng, tìm biện pháp đưa cuộc sống người dân thoát khỏi khó khăn. Chính vị vậy mà Hồ Văn Sinh luôn được nhân dân rất mực yêu quý, tin tưởng.

Những ngày giữa tháng 10, do mưa to kéo dài, nước trên khe, suối thu‌ộc đị‌a bàn xã Hướng Việt đục ngầu, những ngọn núi “no” nước như muốn vỡ ra. Ông Sinh hiểu rõ sự nguy hiểm của sạt lở đất, lũ quét có thể gây ra cho đồng bào mình. Suốt mấy ngày mưa bão, ông không về nhà mà cùng cán bộ trong xã đến các bản làng tuyên truyền, vận động nhân dân di dời ra khỏi vị trí nguy hiểm. Trưa ngày 17-10, ông Sinh và cán bộ thuộc UBND xã Hướng Việt đã vận động được toàn bộ 90/120 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm ở thôn Xà Đừng di chuyển đến nơi an toàn.

“Bản tính vốn hiền lành, nhẹ nhàng với mọi người xung quanh nhưng trong quá trình vận động nhân dân sơ tán ra khỏi vị trí nguy hiểm thì đồng chí Sinh rất quyết liệt. Hộ gia đình nào không chấp hành, đồng chí Sinh sẽ yêu cầu công an, quân sự cưỡng chế ngay, chính vì vậy mà đã tránh được thảm họa cho nhân dân.” - Đại úy Lê Văn Dùy, cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt cho biết.

Phải đến giữa giờ chiều ngày 17-10, ông Sinh với những cán bộ tại địa phương mới từ thôn Xà Đừng trở về trụ sở để ăn tạm bát mì tôm. Lúc này, có nguồn tin cho biết, 7 người dân trong một gia đình ở địa phương bị mất liên lạc khi đi lấy lúa trên nương. Sau cuộc hội ý chớp nhoáng, một tổ công tác gồm 7 cán bộ xã Hướng Việt do ông Hồ Văn Sinh làm tổ trưởng đã lên đường tìm kiếm bà con. Tham gia thực hiện nhiệm vụ còn có Đại uý Lê Văn Dùy; Đại uý Trương Văn Thắng, Trưởng Công an xã và 4 người khác.

Do khu vực làm nương rẫy của người dân địa phương cách xa khu dân cư, phải đến chiều tối cùng ngày, tổ công tác của xã Hướng Việt mới đến khu vực để tìm kiếm. Khi họ vừa đặt những bước chân đầu tiên lên ngọn đồi trước mặt thì bỗng dưng có tiếng nổ lớn, rồi đất đá, nước ầm ầm đổ xuống. Chỉ có 4 người may mắn thoát nạn, còn Đại úy Trương Văn Thắng, Trưởng Công an xã hy sinh, Đại úy Lê Văn Dùy bị thương nặng và được phát hiện đưa về Trạm Y tế xã cấp cứu.

Nghe tin dữ, ngay trong đêm, người dân địa phương đã tập trung rất đông để tìm kiếm ông Hồ Văn Sinh nhưng không có được kết quả. Phải đến sáng hôm sau, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện ông Sinh bên bờ suối trong tình trạng đa chấn thương, nguy hiểm đến tính mạng. Mọi người nhanh chóng đưa ông về để cấp cứu và tìm cách chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên để điều trị, thế nhưng mọi con đường dẫn về Hướng Việt đều bị sạt lở đất chia cắt, thông tin liên lạc cũng bị tê liệt.

Không còn cách nào khác, BĐBP Quảng Trị đã kết nối thông tin quân sự với Đồn Biên phòng Hướng Lập để đội ngũ y, bác sĩ ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị hướng dẫn quân y, cán bộ y tế xã bước đầu chăm sóc cho các nạn nhân, tránh những biến chứng nặng. Tuy nhiên trong điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men tại biên giới còn nhiều thiếu thốn nên biện pháp được chỉ định chủ yếu vẫn là kháng viêm và giảm đau. Nên vết thương phần mềm của ông Hồ Văn Sinh có xu hướng nặng lên, bắt đầu hoại tử.

Trong khi đó, mọi ngả đường vào trung tâm xã Hướng Việt vẫn chưa thể lưu thông, phương án dùng trực thăng để đưa cán bộ bị thương ra ngoài đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt nhưng cũng chưa thể thực hiện vì thời tiết quá xấu. Phải gần một tuần sau khi gặp nạn, khi mưa ngớt, nắng lên, những ngọn núi ở biên giới Hướng Việt quang mây, máy bay trực thăng mới tiếp cận được xã biên giới thả hàng cứu trợ và đưa được ông Hồ Văn Sinh ra ngoài, chuyển đến bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục cứu chữa. Hiện nay, sức khỏe của Hồ Văn Sinh đã tốt hơn và ông mong muốn sớm trở về cùng nhân dân xây dựng lại quê hương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật