Trận bóng đặc biệt của những đứa trẻ “đá bóng bằng tai”

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi không nhìn thấy ánh sáng, những đứa trẻ khiếm thị đã dùng đôi tai của mình để đá bóng. Tai giúp các em định vị vị trí quả bóng lăn trên sân, nghe những chỉ đạo chiến thuật của huấn luyện viên, hiệu lệnh của trọng tài để rồi dắt bóng và sút...
Trận bóng đặc biệt của những đứa trẻ “đá bóng bằng tai”
Ảnh minh họa

Với mong muốn học sinh khiếm thị, giáo viên 3 miền Bắc - Trung - Nam được cùng nhau trải nghiệm, đồng cảm và hợp tác gắn bó thân thiết hơn, từ ngày 28 - 30/11, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tổ chức Chương trình Giao lưu Văn hóa - Nghệ thuật - Thể thao của Học sinh khiếm thị 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong đó có hoạt động giao lưu bóng đá

Tham dự có gần 100 học sinh khiếm thị và giáo viên của 3 trường – Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục Đà Nẵng, Trường PT đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh

Khác với những trận bóng đá của học sinh sáng mắt, đội hình của đội bóng khiếm thị chỉ có 5 người thay vì 7, 11 người

Tất cả cầu thủ đều là người khiếm thị, ngoài thủ môn không phải đeo băng bịt mắt thì tất cả các cầu thủ còn lại đều phải đeo để đảm bảo tính công bằng, vì bên cạnh những học sinh không nhìn thấy gì thì còn có những em có thị lực kém

Việc không nhìn thấy trong thi đấu dễ gây cho các em những va chạm không đáng có, bởi vậy ngoài những đồ bảo hộ thông thường như giày thể thao, băng ống quyển, các em còn phải đeo băng bảo vệ đầu

Ngoài ra loại bóng được sử dụng trong sân đấu cũng rất đặc biệt, bên trong quả bóng chứa một chiếc lục lạc, khi bóng lăn sẽ phát ra tiếng kêu “lách cách, lách cách” giúp các học sinh khiếm thị định vị được quả bóng đang ở đâu

Ngoài thủ môn thị lực kém có thể đưa ra chỉ báo tấn công hoặc phòng thủ, mỗi đội còn 2 huấn luyện viên (2 thầy cô), một huấn luyện viên chạy dọc biên đưa ra chỉ đạo chiến thuật và ngăn chặn khi các em lao ra phía ngoài biên, hoặc hô lên khi các em có dấu hiệu va chạm vào nhau

Một huấn luyện viên khác đứng sau vị trí cầu môn đối phương và hô to để các em biết đó là vị trí cầu môn. “Nhiều khi các em đang dắt bóng nhưng không biết đá về hướng nào, thầy cô đó sẽ gọi tên em đó và chỉ đạo các em sút”, một giáo viên Trường PT đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Trận đấu cuối cùng của buổi giao lưu giữa đội học sinh khiếm thị của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục Đà Nẵng (áo đỏ) và Trường PT đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh (áo xanh).

Thầy Đỗ Trọng Tư, Giáo viên thể dục Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết, “vì các bạn đều là khiếm thị, nếu đá đúng thì sân phải rất im lặng, không có gió, không có tiếng động (thường ở trong nhà kín) và chỉ có 4 huấn luyện viên”.

“Nhưng dẫu sao, trường Nguyễn Đình Chiểu đã cố gắng khắc phục những khó khăn để các em có thể đá được ở ngoài trời. Điều này rất đáng trân trọng, vì đây cơ hội hiếm có để các em giữa các vùng miền được giao lưu, được kết bạn và học tập lẫn nhau”, thầy Tư chia sẻ.

Tiếng còi vang lên, trận đấu bắt đầu giữa đội TP.HCM - Đà Nẵng. Đội Đà Nẵng chuẩn bị đá quả giao bóng. Cả sân đấu im phăng phắc phải đến 5 giây, các cầu thủ đội TP.HCM dường như nín thở, hướng tai về phía được huấn luyện viên chỉ đạo và khi tiếng leng keng bất ngờ phát ra thì cả hai cầu thủ nhanh như chớp nhảy lên để chắn bóng bay về vị trí khung thành đội mình.

Những cầu thủ không có bóng theo luật phải kêu “voy, voy” – theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Tôi tới đây” để những cầu thủ khác biết được vị trí của mình, nhất là để cầu thủ đang dẫn bóng xác định đối thủ đến cản ở đâu nhằm tránh va chạm, nếu không sẽ bị phạt lỗi.

Ở phía ngoài, các cổ động viên được yêu cầu giữ im lặng, chỉ được cổ vũ khi bóng vào cầu môn để tránh cho các cầu thủ trong sân bị mất phương hướng

Một giáo viên thiện nguyện của trường TP.HCM chia sẻ, “các em đã từng đá với các cầu thủ đội tuyển quốc gia, họ đã đá thua vì không quen".

“Nhiều khi thấy các em lơ ngơ cứ tưởng rằng các em không nhận biết được quá bóng, mình cảm thương, nhưng thực ra quả bóng vừa lăn hoặc lăn đến đâu là các em chạy theo y như là nhìn thấy. Đến nỗi, trọng tài còn tưởng các em không phải là học sinh khiếm thị còn phải kiểm tra lại”, người giáo viên này cho hay.

Tuy nhiên vì không nhìn thấy nên không tránh khỏi những lần các em đá hụt, dẫn bóng ra ngoài biên thay vì tới hướng cầu môn, hoặc cũng có một vài lần bị ngã, va chạm vào nhau

Nhưng sau những lần đó, các em mò mẫm để trao cho nhau một cái vỗ vai, một cái ôm, một cái bắt tay để chia sẻ, động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành trận đấu

Cùng với đó là những tình cảm ấm lòng của thầy trọng tài và các thầy cô huấn luyện viên – theo dõi và đưa ra những chỉ đạo kịp thời, đúng lúc, vì vậy mà kết thúc trận đấu 40 phút với tỷ số 0 - 0 không có một va chạm đáng tiếc nào xảy ra.

Dẫu vậy, cũng có một tình huống dở khóc dở cười – cầu thủ Đỗ Bảo Minh (12 tuổi), học sinh học sinh trường TP.HCM bị trẹo chân ngay sau khi kết thúc trận đấu, với nguyên nhân “cười sái cả quai hàm” – do mải trò chuyện với một bạn khác nên bị bước hụt.

“Ở nhà Bảo Minh rất giỏi môn bơi, ngày nào cũng đi bơi. Đá bóng, con mới được tiếp xúc, cho nên hôm nay chỉ là thành viên dự bị là chính”, bà Nguyễn Thị Bích (65 tuổi, Hà Nội) cười khi chia sẻ về cháu ngoại mình

Bố mẹ Bảo Minh nhắn tin trả lời lại bà Bích sau khi biết tình trạng sức khỏe của con

Mặc dù rất đau, nhưng trước sự quan tâm của bà ngoại, bố mẹ và các thầy cô chườm đá, băng chân và cõng vào khu vực y tế, Bảo Minh vẫn còn cười được rất tươi  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật